Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011
Ấn tượng!
Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, việc tập trung chú ý mang tính bản năng trong lần đầu tiên gặp gỡ một người nào sẽ gieo vào đầu óc chúng ta những ấn tượng mạnh và khó gột rửa ra khỏi ký ức trong một thời gian khá dài sau đó.
Ấn tượng đầu tiên này được hình thành trong vùng não nguyên sơ nhất của con người, đây cũng là vùng xử lý các quan hệ tình cảm và điều này khiến cho ấn tượng đầu tiên về một người nào đó đã có những tác động chi phối mạnh mẽ đến thái độ sau này của chúng ta. Liệu ấn tượng này có đúng hay không ?, chính là một đề tài tranh luận của 2 phái nghiên cứu thần kinh học. Trong khi một số chuyên gia lo lắng rằng dù cho ấn tượng đầu tiên rất quan trọng trong xử thế nhưng vì chỉ dựa vào một số thông tin hạn chế cho nên rất có thể sẽ dẫn đến các phán đoán sai lạc, thì đa số các nhà nghiên cứu khác đều đồng ý rằng: ấn tượng đầu tiên về một người chính là kết quả tổng hòa của rất nhiều chức năng quan sát được hình thành từ vô thức và trong rất nhiều trường hợp, ấn tượng này đã phát huy hiệu nghiệm to lớn, nếu không muốn nói là linh nghiệm. Malcolm Gladwell, nhà khảo cứu tâm lý đã nêu lên sự kiện nổi tiếng sau đây để chứng minh cho lập trường này. Các chuyên gia thẩm định nghệ thuật khi được mời đến để bình giá bức tượng mới được trưng bày tại Bảo tàng viện Getty, Los Angeles đều đưa ra nhận xét là tác phẩm này có những khiếm khuyết khó hiểu trong khi tất cả các kiểm nghiệm khoa học và điện tử đều cho ra kết quả là bức tượng này hoàn toàn không có điểm nào khả nghi và rất mực hoàn hảo. Một thời gian sau, người ta mới phát hiện ra các chứng cứ cho rằng nó chỉ là đồ giả. Tại sao mà chỉ trong một chớp mắt, não bộ con người có thể đưa ra những nhận xét trực giác chính xác hơn cả một quá trình phân tích mang tính hệ thống như thế hiện vẫn còn là vùng đất lôi cuốn huyền hoặc của bộ môn thần kinh học. Ấn tượng đầu tiên này vì sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhiều điều kiện khách cũng như chủ quan mà biến tướng khác nhau do đó cũng có người dè dặt cho rằng tốt nhất chỉ nên áp dụng nó như một yếu tố mang tính tham khảo. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, hiếm có sự việc hoặc hành động của chúng ta lại không dựa vào những thôi thúc của ấn tượng này. Và nếu đã có những ấn tượng tuyệt vời đẹp mãi trong lòng, thì cũng có những ấn tượng đè nặng chúng ta trong suốt một đời.
Bài bỉnh bút nổi tiếng của Nhật báo Kinh tế Nhật bản số ra ngày 20/1 đã viết về ấn tượng khi trông thấy nụ cười của chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong buổi tiếp tân của tổng thống Obama, đó là nụ cười vô cùng đáng sợ, che đậy cả một chuỗi dài lịch sử đẫm máu và tàn bạo. Để có thể đi tìm một thế cân bằng mới, cả hai nguyên thủ trong cuộc họp thượng đỉnh này đã tránh né đụng chạm quyết liệt đến các mâu thuẫn gốc rễ tồn đọng giữa hai cường quốc. Hợp tác kinh tế là liệu pháp giai đoạn để đôi bên thủ thế chờ đợi phản ứng của đối phương trước khi triển khai các đòn phép ngoại giao khác được giới quan tâm dự đoán là căng thẳng không thua gì quan hệ Mỹ Nga thời chiến tranh lạnh.
Cho dù tổng thống Obama đã thẳng thắn đề nghị Trung quốc phải có hành động chính sách phù hợp với tư thế của một cường quốc kinh tế cụ thể là tăng giá đồng Nhân dân tệ, nới lỏng qui chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài và quan trọng nhất: cải thiện tình trạng nhân quyền, thế nhưng 41 hạng mục của bản tuyên bố chung dài 7 trang chỉ được xem là kết quả của quá trình cân nhắc vô cùng dè dặt. Trong đó, một số ngôn từ ngoại giao như: "quan hệ Mỹ Trung là quan hệ quan trọng và phức tạp" hoặc "hai nước đồng ý sẽ nổ lực theo lập trường riêng của mình để hướng đến mục tiêu chung" đã cho thấy mâu thuẫn dày cộm giữa 2 nước. Trong khi đó thì khôi nguyên Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba vẫn ngồi tù và giới truyền thông tự do tại Trung Quốc đang phải ngày đêm đối mặt với đàn áp nặng nề. Nhớ lại, năm 1968, khi Nhật Bản trở thành quốc gia có nền kinh tế thứ nhì thế giới thì Trung quốc hãy còn chìm trong biển máu của Cách mạng Văn Hóa với gần 10 triệu người phải hy sinh oan uổng. Cuộc cách mạng điên cuồng chỉ để tranh giành quyền lực thống trị đó đã làm Trung Quốc lạc hậu thêm 30 năm và ngày nay cho dẫu đã theo đuổi chính sách mở cửa theo cơ chế thị trường để trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, thế nhưng chế độ độc tài độc đảng, xiết cổ nhân quyền và bức tử các quyền tự do chính trị tự nó đã làm rõ một bộ mặt đen tối và ghê sợ ẩn nấp ngay đằng sau bề ngoài phát triển của quốc gia này. Hồ Cẩm Đào không phải là một khuôn mặt xa lạ. Sự xuất hiện của ông trước ống kính truyền thông không phải là chuyện hiếm có. Thế nhưng, 8 tiếng đồng hồ ngay sau tuyên bố chung của 2 nguyên thủ được truyền đi từ Hoa Thịnh Đốn, khi mà Trung quốc vội vàng thông báo tốc độ tăng trưởng của mình trong năm 2010 là 10.3% và GDP đã qua mặt Nhật bản thì ấn tượng về Chủ tịch nhà nước Trung quốc đã có khác. Thế giới yêu cầu bộ mặt của đất nước này cần phải thân thiện hơn, trong sáng hơn để xứng danh với vị trí cường quốc kinh tế thứ hai này. Đằng sau nụ cười của Hồ Cẩm Đào có thể là dùng sức mạnh kinh tế để nuôi dưỡng ước mộng vĩ cuồng gia tăng chi phí quân sự hầu uy hiếp lãnh thổ lân bang, bành trướng thế lực, cũng có thể là những chính sách đàn áp đẫm máu hơn nữa các dân tộc nổi dậy đòi quyền tự trị hoặc bỏ tù vô tội vạ một cách tàn nhẫn những tiếng nói đòi tự do dân chủ. Nụ cười đó, theo Nhật báo Kinh tế Nhật bản, một lần nữa lại đã tạo nên ấn tượng đáng sợ là vì thế. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực nặng nề. Từ đây cho đến khi thay đổi quyền lực chóp bu của Đảng Cộng sản vào năm sau, nếu không đưa ra được các chính sách đả thông bất hòa nội bộ hiện nay của Đảng thì bất mãn quần chúng sẽ lan tràn và áp lực dân chủ hóa từ trong lẫn ngoài sẽ làm lung lay chế độ.
Vào thập niên 1980, khi tài liệu nghiên cứu "Liệu Liên Bang Sô Viết có thể tồn tại đến năm 2000 hay không?" được đăng tải trên báo chí tại hải ngoại thì dường như ít có người tin tưởng cho lắm vào tiên liệu này bởi sức mạnh hùng hậu quân sự của Đế quốc Đỏ bấy giờ. Vâng, khó tin là phải, bởi lúc ấy không ai có thể hiểu rõ ràng là Liên Sô muốn gì, sẽ làm điều gì và quan trọng nhất: người dân dám quật khởi để đứng lên làm những điều gì. Chưa đầy 10 năm sau, thành trì tưởng chừng kiên cố bất dịch đó của chủ nghĩa Cộng sản đó đã sụp đổ tan tành để nhân loại một lần nữa thêm vững chắc niềm tin vào sức mạnh của quần chúng. Nhà văn nữ Dương Dật (Yang I, giải văn chương Akutagawa Nhật bản), từng là nạn nhân của Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc và cũng là nhà văn mà biến cố Thiên An Môn đã chi phối toàn bộ đời sống sáng tác đã thố lộ trong nguyệt san văn học Bungei Shunju số mới đây: "Mong sao tại đất nước Hoa Lục này, càng sớm càng tốt, mọi người có thể tự do nói lên được điều mình muốn nói". Đơn giản tuy là thế: nói lên được điều mình muốn nói, nhưng thử tượng tượng rằng nếu đó là nỗi nung nấu cộng hưởng của 13 triệu lòng dân Trung quốc thì không riêng gì cục diện của quốc gia này mà bộ mặt của toàn nhân loại chắc chắn sẽ đổi thay vô cùng.
Dù đã tỏ ra giận dữ sau khi Hoa kỳ buôn bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng cuộc họp thượng đỉnh vội vàng lần này của lãnh đạo Bắc Kinh với Nhà Trắng đã cho thấy rằng Trung Quốc tinh khôn hơn người bạn Nga Sô ngày xưa trong chiến thuật không lấy gì làm mới lắm: dương Đông kích Tây. Hợp đồng mua 45 tỷ đô la hàng hóa có hiệu quả tạo khoảng 235.000 công ăn việc làm cho dân Mỹ cùng với một kế hoạch giao lưu khoa học công nghệ đình đám vừa là món quà giải hòa, và rất có thể vừa là miếng vải nhét miệng để Hoa kỳ khó mà lên tiếng trước các hành động không lường được của quốc gia khó hiểu này. Một mặt giảm thiểu áp lực đối lập của Mỹ nhưng mặt khác gia tăng sự lấn lướt đối với các lân bang nhỏ bé hơn. Vừa xúc tiến ngoại thương mà cũng vừa tăng cường ưu thế quân sự. Rõ ràng là Trung Quốc đang cố gắng đi tìm trật tự từ mâu thuẫn, tìm tĩnh từ động. Trong khi đó về mặt nội bộ, khó ai có thể biết được những con số chính xác liên quan đến các hành vi đàn áp nhân quyền và dân chủ hóa cũng như nạn nhân của các hành vi này. Đó là chưa kể đến vô số các cuộc nổi loạn do cách biệt giàu nghèo hoặc đứng lên đòi hỏi công lý đã bị trù dập ngay từ trứng nước. Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, liệu Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa có tồn tại đến năm 2020? Câu hỏi này dường như đầy tính mạo muội vì có lẽ hàm chứa khá nhiều ẩn số. Tại đây, xin mời bạn đọc trở lại với câu chuyện về ấn tượng ban đầu ở phần đầu của bài viết.
Nghiên cứu mới đây của tâm lý gia Nalini Ambady cho biết là kết quả đánh giá của các sinh viên sau khi xem xong một video clip dài chỉ 2 giây về hiệu quả giảng dạy của một giáo sư đại học gần giống với đánh giá của các sinh viên đã tham dự suốt học trình của giáo sư này. Có nghĩa là ấn tượng của vỏn vẹn 2 giây đồng hồ vẫn không thua kém một nhận xét sau khi trực tiếp tiếp xúc trong vòng nửa năm!
Đằng sau nụ cười của chủ tịch họ Hồ lúc nâng cốc rượu vang Russian River trong đêm chiêu đãi của Nhà Trắng vẫn còn là bức màn đen tối, và sau bức màn đó, rất có thể là những rối rắm ngổn ngang có thể làm tiêu vong một thể chế bất nhất, bất minh. Chỉ trong vài phút xuất hiện trước ống kính truyền hình nhưng nếu nhiều người trong chúng ta đều mang một ấn tượng như thế đối với chủ tịch Trung Quốc thì chắc hẳn viễn ảnh hỗn loạn của quốc gia này sẽ không còn là một dự đoán mạo muội!
Ấn tượng chi phối chúng ta, nếu không muốn nói là thao túng. Ấn tượng cũng không phải được tạo thành một cách không duyên cớ. Có cả trăm ngàn lý do trong một ấn tượng, và nhiều khi, có thể là cả một lịch sử đắng cay chợt cô đọng lại trong một phút giây!
Trần quang Hà
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét