Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Giải thưởng văn học Nhật bản Akutagawa đã được trao tặng cho nhà văn nữ người Trung quốc Yang Yi

LTS: Một tin mừng trong tháng qua đó là giải thưởng văn học Nhật bản Akutagawa đã được trao tặng cho nhà văn nữ người Trung quốc Yang Yi (Dương Dật) với tiểu thuyết Toki ga nijimu asa (Buổi sáng đẫm nhòa thời gian). Truyện kể về 2 người bạn thân từ thời trung học là Lương hạo Viễn và Tạ chí Cường sau khi đỗ vào 1 đại học danh tiếng đã gặp được giáo sư trẻ tuổi tài hoa
Cam lăng Châu. Qua những bài giảng và thảo luận sâu sắc của giáo sư về “lòng yêu nước”, “dân chủ hóa” và về “nước Mỹ”, cả hai Lương, Tạ đã hăng hái tham gia phòng trào vận động dân chủ. Sau đó thì phong trào bị đàn áp bằng bạo lực của nhà cầm quyền Trung quốc dẫn đến biến cố Thiên An Môn khiến lãnh tụ Cam phải lưu vong nước ngoài, Lương và Tạ bị đuổi học, nữ lãnh tụ trẻ Bạch anh Lộ mất tích. Nhờ kết hôn với con gái của một cô nhi Nhật bản, Lương hạo Viễn thoát được sang Nhật để tiếp tục phong trào đấu tranh và đã gặp lại các nhà dân chủ vào 10 năm sau.

    Qua Nhật du học năm 22 tuổi, nữ tác giả 43 tuổi người Trung Quốc này đã làm chấn động dư luận văn học Nhật bản vì đây là lần đầu tiên một người ngoại quốc có tiếng mẹ đẻ không phải là Nhật ngữ đã đoạt được giải thưởng danh dự tầm cỡ của nước này. Tựa sách và cũng như toàn bộ nội dung cho đến dòng chữ cuối cùng đã diển tả “ánh mắt” đăm chiêu và nhiệt thành của tác giả từ một đất nước khác nhìn về tổ quốc mình trong đó biến cố Thiên An Môn được xem như là dấu mốc thời gian và không gian của Trung quốc đương đại. Thời gian trôi đi, vật đổi sao dời, năm tháng có thể làm nhạt nhòa từng buổi sáng hiện tại, tuy nhiên, đằng sau những nhạt nhòa của đổi thay về mặt hiện tượng đó, đằng sau những hoành tráng trình diễn chẳng hạn như của lễ hội Thế vận, nhẹ nhàng thôi, nhưng sâu sắc cực kỳ, tác giả đã xoáy sâu vào bản chất của tổ quốc mình. Khi trả lời tuần báo Shukanshincho, Yang Yi nói rằng Toki ga nijimu asa là một khoảng trống đủ rộng để cô đắm mình với ngòi viết độc lập của mình hầu gióng lên một thông điệp muốn thế giới nhìn lại tổ quốc Trung quốc từ gốc rễ vấn đề. Nhà văn nữ này kết luận là nếu chỉ loay hoay với những hiện tượng không giải quyết từ bản chất thì chẳng thể nào mưu cầu được tương lai thực sự tươi sáng cho một đất nước. Đã từ lâu, văn đàn Nhật bản luôn giữ một thái độ trung hòa chính kiến, do đó tiểu thuyết của Yang Yi dù đã thể hiện sự uyên bác trong ngôn ngữ văn chương sử dụng vẫn không phải là một cuốn sách tuyên truyền. Thế nhưng ngay trong những dòng viết về cuộc sống đời thường, về chiếc bánh há cảo, hoặc trong những đối thoại vu vơ giữa Hạo Viễn với đứa con gái nhỏ của mình… đã ẩn chứa sức mạnh của một tâm hồn yêu quê hương bằng một lý trí vững chải biết nhìn và dám nhìn vào sự thật. Chính vì thế mà nội dung của cuốn sách hiện vẫn chưa được một cơ quan báo chí nào của Trung quốc nhắc nhở đến!
    Tin vui là vậy. Tuy nhiên cũng trong tháng qua, tin buồn văn hào Nga Solzhenitsyn qua đời đã để lại nhiều thương tiếc cho văn đàn thế giới.
Alexander Solzhenitsyn sinh năm 1918 tại Kislovod dù là một sĩ quan Nga được huy chương trong thế chiến thứ nhì nhưng ông bị bắt giữ vào năm 1945 với cả thảy trên 12 năm lao động lưu đày vì dám viết thư chỉ trích Stalin. Vào năm 1965 các tác phẩm của ông bị cấm lưu hành ở Liên Sô và chính các tác phẩm bị cấm đoán này khi được phiên dịch và xuất bản ở nước ngoài đã khiến ông bị tước bỏ quyền công dân.Alexander Solzhenitsyn được Hàn lâm viện Thụy-điển tặng giải Nobel Văn chương năm 1970, nhưng vì những khó khăn trong nước, không thể đích thân tới nhận nên chỉ thực sự dự lễ trao giải thưởng này vào bốn năm sau khi đã bị trục xuất khỏi Liên Sô và đã để lại một diễn từ nhận giải lịch sử : “Đối với một nhà văn đến từ một miền đất không có tự do, cái diễn đàn đầu tiên và cái diễn từ đầu tiên của người ấy là một diễn từ về mọi sự trên thế giới, về hết thảy những nỗi khốn khổ đớn đau của xứ sở mình.”
Có lẽ điểm chung lớn nhất của các nhà văn chân chính bước ra từ chế độ cộng sản chính là nỗi trăn trở truy tìm bản chất của những thảm họa xảy ra trên chính vùng đất mà mình đã vừa sống. Từ Solzhenitsyn cho đến Yang Yi, từ Quần đảo ngục tù cho đến Buổi sáng đẫm nhòa thời gian, tất cả đều cùng trên một quán tính tư duy đó, khác chăng chỉ là phương pháp và phong cách tìm hiểu cũng như qui mô nghiên cứu. Nếu Solzhenitsyn đã phá tung cánh cửa của những buổi đầu bưng bít dã man đó để nhân loại tỏ tường về thảm họa Cộng sản, thì Yang Yi, với phong thái ung dung trầm tĩnh hơn của một nữ sĩ, trong những ngày tàn còn lại của chủ nghĩa đã đem đến cho chúng ta một gợi nhớ sâu xa và khôn nguôi. “Chúng ta hết thảy đều biết rằng công trình của một nghệ sĩ không thể nén gọn bên trong tầm mức thảm hại của chính trị. Là vì tầm mức này không thể nắm trọn cuộc đời chúng ta và chúng ta không được giam nhốt ý thức xã hội của chúng ta bên trong những đường biên của nó.”
Xin mời bạn đọc thưởng thức một ít bài thơ văn xuôi rất độc đáo sau đây của Solzhenitsyn để chiêm nghiệm lại lần nữa nền tự do mà chúng ta đang hít thở nơi xứ người và cũng để tưởng nhớ đến một văn hào chống độc tài uy vũ nhất của thế kỷ 20.

CHÚ VỊT CON
Một chú vịt con lông vàng bé xíu, giãy giụa trên cái bụng trắng trong đám cỏ ướt trông thật buồn cười, rồi loạng choạng đứng dậy trên cặp chân tong teo, yếu ớt, chạy đến trước mặt tôi và kêu: "Mẹ tôi đâu? Gia đình tôi đâu?"
Chú không có mẹ, vì chú đã được bảo dưỡng bởi một con gà mái: người ta đặt những cái trứng vịt vào trong ổ gà, rồi con gà mái ấp cho chúng nở ra cùng với đám gà con. Để che chở chúng dưới thời tiết xấu, người ta đã mang cái nhà của chúng — một cái rổ lật úp không có đáy — vào đặt trong một kho chứa đồ làm vườn và lấy tấm bao bố phủ lên. Tất cả bọn chúng đều ở trong đó, nhưng chú vịt này đi lạc. Thế thì, chú bé ơi, hãy để tôi cầm lấy chú.
Cái gì giữ cho chú vịt còn sống nhỉ? Chú nhẹ hẫng; đôi mắt bé xíu của chú giống như hai hạt cườm; hai bàn chân chú giống như hai bàn chân chim sẻ; chỉ cần bóp nhẹ một cái là chú không còn nữa. Thế nhưng chú ấm áp với sức sống. Cái mỏ bé xíu của chú có màu hồng nhạt và hơi hếch lên, trông như một chiếc móng tay được gọt dũa khéo léo. Hai bàn chân của chú đã có màng; bộ lông chú ửng màu vàng, và đôi cánh mềm mại của chú đang mọc ra. Cá tính của chú đã bắt đầu khác với bầy anh em gà con.
Và loài người chúng ta chẳng bao lâu nữa sẽ bay đến Kim Tinh; nếu chúng ta dồn hết nỗ lực, chúng ta có thể cày nát cả thế giới trong vòng hai mươi phút.
Thế nhưng, với tất cả sức mạnh nguyên tử của mình, chúng ta sẽ không bao giờ — không bao giờ! — có thể làm ra một chú vịt nhóc vàng hoe như thế này từ một ống nghiệm; ngay cả nếu chúng ta được trao cho những chiếc lông vũ và những khúc xương, chúng ta cũng không bao giờ có thể ráp nên một sinh vật như thế.

THỞ

Đêm qua trời mưa đôi chút và lúc này có những đám mây lớn băng ngang trời và thỉnh thoảng lại rớt mấy hạt.

Tôi đứng dưới một cây táo mà mùa hoa nở vừa hoàn tất, và tôi hít thở.

Cây táo, đám cỏ bao quanh, tỏa mùi thơm sau cơn mưa và không một từ nào có thể diễn tả cái mùi ngọt ngào đang thấm đượm không khí. Tôi hớp cái mùi ấy đầy hai buồng phổi, tôi cảm thấy cái hương thơm ấy với tất cả lồng ngực tôi, tôi hít thở, tôi hít thở, đôi mắt khi mở, khi nhắm, không biết thế nào hơn.

Ấy đó, tóm lại, là tự do, tự do duy nhất, nhưng cũng là thứ quý báu nhất, mà nhà tù tước đoạt của chúng ta: có thể hít thở như thế, có thể hít thở ở một nơi như nơi này. Không một thực phẩm trần thế nào, không một thức rượu nào, không một nụ hôn nào ngay như của đàn bà đi nữa, đối với tôi lại êm dịu hơn là cái không khí say sưa la đà của mùa hoa nở, của ẩm ướt, của tươi mát này.

Nào có hề gì dẫu đây chỉ là một khu vườn nhỏ xíu, bị thắt nghẽn giữa những ngôi nhà năm tầng tựa như những chuồng thú.

Tôi không còn nghe tiếng xe gắn máy nổ liên hồi, tiếng máy thu thanh gào thét, tiếng máy phóng thanh phun ra. Bao lâu ta còn có thể hít thở, sau cơn mưa, dưới một cây táo, ta còn có thể sống được!

PHẢN ẢNH TRÊN NƯỚC

Trên một dòng thác chảy xiết, người ta không nhận rõ được một phản ảnh nào, gần hay xa: ngay như nước không đục ngầu cũng chẳng nổi bọt, trên dòng uốn lượn bất tuyệt, trong sự tái tục không ngừng, mọi phản ảnh đều không trung thực, lờ mờ, không hiểu được.
Chỉ đến khi xuôi những dòng sông thác nước kia tới một cửa sông rộng lớn yên tịnh hay đổ vào một nhánh sông nước đọng hoặc một mặt hồ nho nhỏ mà nước không có lấy một gợn sóng, chỉ tới lúc đó chúng ta mới thấy, trên gương nước nhẵn nhụi, từng chiếc lá cây nhỏ bé trên bờ, từng sợi mây mịn và bầu trời xanh đầy đặn.

Bạn và tôi, chúng ta cũng thế. Nếu như ta chưa nhận ra, nếu như ta chưa phản ánh một sự thật muôn thủa rõ nét, thì ấy chẳng phải bằng cớ là chúng ta hãy còn đang tiến bước? là chúng ta vẫn sống đó sao?

LỬA CỦI VÀ KIẾN
Tôi ném vào lửa một khúc củi tròn đã mục mà không để ý là ở bên trong có một tổ kiến.
Khúc cây nổ lép bép, kiến ùa ra và, tuyệt vọng, bắt đầu chạy tứ tán. Chúng chạy khắp phần trên của khúc cây rồi, bị những ngọn lửa ngốn ngấu, cong queo lại. Tôi chộp lấy khúc củi và lăn nó qua một bên. Lúc này lũ kiến đông đảo, chạy trên cát, trên những kim thông, thoát chết. Nhưng, lạ thay, chúng không rời xa ngọn lửa. Vừa qua khỏi nỗi kinh hoàng, chúng lại vòng trở lại, quẩn quanh đôi lúc, rồi một sức mạnh huyền bí kéo chúng lại phía sau, về Tổ quốc đã lìa bỏ, và đông đảo lũ kiến lại leo lên khúc củi bỏng cháy, chạy khắp phía và chết ở đó.
ALEXANDER SOLZHENITSYN
Bản dịch của Diễm Châu và Trần tuệ Minh
Các chữ in nghiêng trích từ Diễn từ của Alexander Solzhenitsyn tại bữa tiệc Nobel ở Thị sảnh Stockholm, ngày 10 tháng Mười Hai, 1974

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét