LTS: Sau khi cuốn phim tài liệu "Ác mộng Darwin" (Darwin's Nightmare) của đạo diễn người Áo Hubert Sauper ra đời năm 2004 với nội dung phỏng vấn các nhân vật liên quan về cuộc sống của một thị trấn nằm ven hồ Victoria của Tanzania sau khi hồ này được thả giống cá rô Nile để nuôi trồng xuất khẩu thịt cá sang các nước châu Âu. Cá rô Nile đã ăn nuốt tất cả loài thủy sinh cố hữu của hồ Victoria, hủy diệt hệ sinh thái.
Tệ hại hơn nữa, một thị trấn hiền lành có tự nhiên phong phú bên bờ hồ nước ngọt nhiệt đới lớn nhất thế giới này bỗng chốc đã trở thành tụ điểm của các tệ nạn xã hội như đĩ điếm, ma túy và buôn bán vũ khí sau khi được nối liền vào thị trường thế giới từ việc gia công xuất khẩu thịt phi lê cá rô. Và sau khi phần thịt ngon của cá ra đi theo những chuyến bay cùng với các món hàng lậu, người dân nơi đây sống bẩn thỉu, bươi móc trên những núi xương cá thối rữa ruồi nhặng. Phim đã làm bùng nổ một trào lưu xét lại lý thuyết toàn cầu hóa. Biết bao cánh rừng, con sông, đồng lúa đã phải biến thành xưởng máy chế biến, thành khu công nghiệp và những nông dân hiền lành lam lũ bên bờ ruộng, những thổ dân sống an lành quây quần với những tập tục văn hóa độc đáo bị ném vào thị trường lao động xa lạ, lạc lõng nơi mà loài người văn minh hơn cho rằng đó mới là đời sống mang lại hạnh phúc. Nếu cho rằng mục đích tối thượng của cuộc sống là truy tìm hạnh phúc, vậy thì giải pháp toàn cầu hóa, ngoài việc nâng cao mức tổng thu nhập GDP, liệu có đáp ứng hài hòa và bình đẳng với rất nhiều các cộng đồng thiểu số sống theo những giá trị truyền thống trên thế giới này hay không ? Các xóm lều tồi tàn, các khu nhà ổ chuột nhầy nhụa giữa thành phố tráng lệ xa hoa của các nước đang phát triển và mới nổi được xem là sản phẩm của toàn cầu hóa bởi đã đẩy đạp những con người phi công nghiệp đi làm chuyện công nghiệp hóa. Những thôn nữ hiền lành theo chân thị trường đã trở thành các món hàng mua bán của đại gia nước ngoài. Không thể phủ nhận rằng toàn cầu hóa là xu hướng thời đại không thể tránh khỏi và càng không thể không công nhận những chuẩn mực văn minh tích cực mà tiến trình này đã mang lại. Tuy nhiên tiền đề bắt buộc của nó là phải biết tôn trọng các giá trị đa dạng của cộng đồng xã hội và phải được thực hiện bằng một chính sách trong sạch và biết lắng nghe nguyện vọng người dân, biết cân đối với nội lực, hài hòa với thế mạnh riêng của nước mình. 30 năm đổi mới của Việt Nam đã giúp thu nhập quốc gia có tăng lên hằng năm nhưng cái giá phải trả của nó cực kỳ đắt đỏ nếu không muốn nói là rất mực phi lý. Đời sống nông thôn vẫn không được cải thiện đúng mức tạo chênh lệch quá xa so với thành thị. Tiếng oán than và lòng căm phẫn do ruộng vườn bị tướt đoạt của nông dân khắp nước đang thấu vọng trời xanh trong khi môi trường bị tàn phá nặng nề khó có thể phục hồi. Tệ hại nhất vẫn là sự đảo lộn các giá trị đạo đức truyền thống khi cuộc sống bị bật gốc ra khỏi cộng đồng thôn bản gắn bó từ buổi thiếu thời. Trong diễn từ nhận giải Nobel hòa bình đọc ngày 16-6-2012 tại Oslo, Na Uy, khôi nguyên Aung San Suu Kyi cũng đã đề cập đến vấn đề này: "Tôi đặc biệt chú ý đến hai loại đau khổ sau cùng: bị chia tách khỏi những người thân thương và bị buộc phải sống giữa những người xa lạ không có tình yêu thương... Tôi nghĩ về những người bị cầm tù và những người di cư, hay những công nhân xa xứ và nạn nhân của sự buôn người, nghĩ về những đám đông như những cái cây bị nhổ bật rễ, những người đã phải xa lìa xứ sở quê hương, bị chia cắt với gia đình và bạn bè, bị bắt buộc phải sống giữa những người xa lạ chẳng phải bao giờ cũng chào đón họ."
Xin giới thiệu đến độc giả 2 bài thơ nhại 2 ca từ nổi tiếng của 2 nhạc sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam sau đây của Nguyễn Đăng Thường nói lên những thay đổi theo chiều hướng tệ hại hiện nay của đất nước từ góc nhìn độc đáo của một nhà thơ.
Lạy xin con gái lấy chồng xa
Mẹ mong con chớ quên màu da nước Việt ta
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Đánh bật một con người xa lìa quê hương xứ sở trước tiên là hành động gây nên đau khổ. Hành động này nếu có tổ chức và mang tính cưỡng chế sẽ trở thành một tội ác.
Tình hoài hương (nhại)
Thành thật xin lỗi tác giả ca khúc bất hủ
và độc giả.
nđt
Quê hương nay, có con sông đào dơ dáy
Nước tuôn lên đường lộ cái
Nắng mưa thôm đủ hai mùa
Dân kêu trời, trời về khuya, vẳng tiếng gió vi vu
Quê hương nay, có sân gôn dài ngây ngất
Lúa xanh không còn xa tắp
Bóng trâu trên đồng xoá mờ
Lửa bếp tàn, vòm tre tan, làn khói vắng hương thôn
Ai về, về có thấy, thấy sông hồ kia
Tôi về, về tôi thấy, hàm ria, ria con chồn già... ơ ớ
Ai về, về thương nhớ, nhớ mẹ già
Ðể riêng tôi ôn lại, quãng đời, tê tái tê... hớ hơ hờ
Quê hương nay
Bóng công an trùm kín mít
Ðó đây im lìm thin thít
Những tên cai ngục ba đình
Còn lộng lành vì chưa nghe chuyển hướng gió đê mê
Quê hương nay
Mái hiên mẹ già nương náu
Xót xa nỗi niềm nung nấu
Cánh tay run tựa mái đầu
Ôi bóng hình, dù qua mau, còn in mãi sắc màu
Tình hoài hương
Cánh tay vung lên hồn chìm xuống
Chiều tha hương
Nắm tay nhau nối tình muôn đuờng
Tình ngàn phương
Cứ tuôn ra như lòng đại dương
Lòng căm phẫn
Ngước mắt trông về miền quê vương vấn
Quê hương ơi!
Quê hương ơi!
Gia Tài Của Mẹ 2010
1.
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Bao nhiêu năm cộng sản từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại hôm nay
Gia tài của mẹ, là nước Việt này
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai lăm năm đổi mới thị trường
Gia tài của mẹ, những thằng đại gia
Gia tài của mẹ, bô xít rừng già
2.
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai lăm năm kinh tế thị trường
Gia tài của mẹ, ruộng thành sân gôn
Gia tài của mẹ, rừng núi bồn chồn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Bao nhiêu năm cộng sản đoạ đày
Gia tài của mẹ, một bọn lai hoa
Gia tài của mẹ, một lũ bù nhìn
3.
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Bao nhiêu năm cộng sản đoạ đày
Gia tài của mẹ, một bọn mafia
Gia tài của mẹ, một đảng độc tài
Lạy xin con gái lấy chồng xa
Mẹ mong con chớ quên màu da nước Việt ta
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con vì ta quên muộn sầu
Quên muộn sầu...
Nguyễn Đăng Thường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét