Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Trần Dần, một “kiện tướng” hàng đầu của thi ca Việt nam hiện đại

LTS. Chắc là bạn đã từng đáp tàu shinkansen (tàu điện cao tốc) mỗi khi đi xa trong nội địa Nhật bản. Kể từ khi khai thông chuyến tàu đầu tiên nối liền Tokyo và Osaka vào năm 1964, shinkansen đã mở rộng thêm nhiều tuyến mới và mau chóng trở thành phương tiện đi lại quan trọng, đóng góp lớn lao vào tiến trình phát triển kinh tế Nhật bản. Dù đã có 2.175 km đường ray hiện tại với tổng số 340 triệu hành khách một năm, shinkansen vẫn không ngừng khuyếch trương mạng lưới phục vụ và nâng dần tốc độ chạy tàu lên 360km/h vào năm 2010. Để có được đoàn tàu dọc
ngang hoành tráng như thế, không thể nào không kể đến đội ngũ những người phá núi mở rừng, cài đặt từng mét đường ray giữa các địa hình hiểm trở. Đường hầm Takaoka trên tuyến Hokuriku dài 220 km chạy dọc theo bờ biển Trung Tây Nhật bản nối liền thủ phủ Nagano và Kanazawa là một ví dụ điển hình cho sức kiên nhẫn và sáng tạo của những người “thợ cày” này. 2 mét ban ngày, 2 mét ban đêm, từng tấc một, chống chỏi với xác suất sụp lở rất lớn gây ra bởi tầng địa chất không ổn định của dãy núi lửa trẻ, những con người phá núi đào hầm dũng lược đó phải khắc phục hiểm nguy tại mỗi giây phút thi công. Khi được hỏi làm thế nào để có được sự kiên trì này, Saito Atsushi, một công nhân cơ giới xúc đào vừa thao tác vừa trả lời: để thấy được ánh sáng ở cuối đoạn đường hầm 7 km này! 


Trang văn nghệ tháng này xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm của Trần Dần, một “kiện tướng” hàng đầu của thi ca Việt nam hiện đại. Thơ ông, theo thi sĩ Nguyễn trọng Tạo là “máu, mồ hôi và óc não đọng thành những con chữ”, còn trước mắt nhà phê bình văn học Phạm xuân Nguyên thì Trần Dần là một nhà “luyện chữ đầy sáng tạo”. Riêng đối với Trang văn nghệ, thơ Trần Dần tựa như những đường cày âm thầm giữa lòng núi đá, miệt mài, ráo riết, rạo rực và luôn mong chờ một ánh sáng ở cuối đường hầm: ánh sáng của quá thời hoài tưởng.
Tôi đã có đôi ngày nhỏ dại
Hãy châm man mác các dặng đèn
từ kí ức vùi sâu !
Đây có phải bụi Cửa Trường ?
Một cuống nhau chôn trạnh lòng phố mẹ ! ...

Hơn 10 năm qua đi kể từ ngày ông nằm xuống. Thế nhưng các đường cày trên chữ trên thơ đó đã xới lên một khoảng đồng xanh tươi cho văn học Việt bởi các ý tưởng đột phá vào thẳm sâu của tâm hồn bằng bút pháp mới lạ và cách tân mạnh bạo. Chúng ta đã từng biết một Trần Dần dõng dạc với “tôi bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” của thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm. Đó là một Trần Dần giẫm lên những con chữ chông gai để nhiều lần sau đó ông phải tự cắt cổ tay mình chỉ vì không muốn lây lất phận đời oan nghiệt. Và hạnh phúc cuộc đời, như chỉ đến với ông từng giọt, chắt lọc từ bão biển khổ đau và khốn khó
Em ạ, Tình yêu không phẳng lặng bao giờ
Nó đè sóng, đè mưanổi bão...
Tình yêu không phải chuyện đưa cho nhau ngày một bó hoa
Nó là chuyện những đêm ròng không ngủ
tóc tai bù như những rặng cây to
nó vật vã những đêm trời lộng gió
Việc chính quyền Hà nội cấm phát hành di cảo “Trần Dần – thơ” mới đây đã gây nhiều phẫn nộ từ dư luận trong và ngoài nước. Đến khi đã nằm xuống rồi, ông vẫn chưa được yên thân. Xây một tập thơ là xóa một nhà tù, ông đã từng nói như thế khi còn sống, bằng việc bức tử tác phẩm của Trần Dần, các nhà quản lý văn nghệ Việt nam đang làm chuyện ngược lại: xóa một tập thơ để xây thêm nhà tù! Trên một vì sao nào đó, có lẽ linh hồn ông lại lên đường, lại làm những đường cày tìm về ánh sáng cho đến khi công lý được rạng soi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét