LTS: Nhật Bản đang trong những ngày dầu sôi lửa bỏng. Bốn mảng địa chất của lớp vỏ trái đất đã va chạm liên hoàn tạo nên cơn địa chấn 9 độ richter khủng khiếp nhất trong lịch sử đo đạc cường độ động đất của đất nước này. Sóng thần sau đó đã cướp đi gần 90% tổng số trên 20 nghìn người thương vong và mất tích.
Và bây giờ không riêng gì Nhật Bản, cả thế giới đang từng ngày nín thở theo dõi chuyển biến sau các vụ cháy nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Điên cúp, hệ thống giao thông tê liệt, hằng trăm nghìn hộ gia đình sơ tán đang lâm trong cảnh thiếu thốn, cơ hàn thậm chí có người mỗi ngày chỉ được một nắm cơm và muỗng canh tương cầm hơi. Những đợt rét tàn Đông cắt da như phủ chụp màu thê lương lên từng mái đầu bạc phước đó. Tuy nhiên, chính trong gian khó, người Nhật đã thể hiện rõ nét sức chịu đựng phi thường cũng như tinh thần tương ái cao độ, vì thế cho đến nay vẫn chưa xảy ra một cảnh cướp bóc giành giật nào. Lịch sử Nhật bản cận đại, nhìn chung, có thể xem như là một chu kỳ của tan vỡ và tái tạo. Nếu trận động đất vùng KanTo (gồm 6 tỉnh bao gồm Tokyo và Yokohama) đã cướp đi 105 nghìn sinh mạng đánh sập thành quả hiện đại hóa của cao trào Minh Trị Duy Tân thì sau đó ,lần đầu tiên của nhân loại, người Nhật phải hứng chịu 2 quả bom nguyên tử, đánh dấu thảm bại sau Đệ nhị thế chiến thứ hai. Đây cũng là biến cố để quốc gia này đứng lên từ đống gạch vụn để xây dựng một thần kỳ Nhật Bản lẫy lừng thế giới. Những thiên tai khác sau đó như cơn bão vùng vịnh Ise, động đất vùng Hanshin, Kobe, cũng đã không làm người Nhật chùn bước đứng lên tái thiết.
Năm 1923, sau khi Tokyo và Yokohama đã biến thành bình địa do động đất, bộ trưởng Nội vụ Goto Shinpei đã tuyên bố rằng: "đây mới chính là thời điểm để chúng ta cống hiến cho xã hội", ông cũng là người lãnh đạo Viện tái thiết Đế đô với khẩu ngữ nổi tiếng: "Phục hưng chứ không phải phục hồi". Câu nói này đã phản ảnh tư tưởng đột phá trong các giai đoạn phát triển của Nhật Bản, không câu nệ vào việc làm lại cái đã mất để không ngừng đạt đến những thành tựu mới. Thảm họa vừa qua dù đã vùi dập các tỉnh miền Đông Bắc vào trong biển trời đổ nát, tuy nhiên, những phần thân thể còn lại của Nhật Bản đang ráo riết ngày đêm tiếp máu cho đồng bào không may của mình. Làm sao có thể kể xiết những nghĩa cử liều mình cứu mạng của nhiều trung đoàn tự vệ đội đã được triển khai mau chóng đến hiện trường để tìm kiếm nạn nhân sống sót cũng như vớt nhặt các thi hài. Anh sĩ quan không quân trước khi bay vào đám khói mịt mù của nhà máy hạt nhân vừa cười vừa nói: "cho dẫu khó khăn bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ" , có người lính cứu hỏa nói với người vợ mới cưới trước khi xông thẳng vào rừng tia phóng xa để chữa cháy: "em hãy yên tâm mà đợi anh về", có người y tá mất con, mất chồng vì sóng thần nhưng vẫn miệt mài với công việc điều dưỡng chăm sóc nạn nhân tại bệnh viện địa phương, khi được hỏi thì cô trả lời: "tôi muốn khóc lắm, nhưng không thể khóc vì còn nhiều việc phải làm và vì nhiều người cần đến tôi"...nhiều và rất nhiều những câu chuyện làm ấm lòng người đó cho phép chúng ta tin tưởng vào sức bật mãnh liệt của dân tộc này. Những nẻo đường bị sóng dữ dầy xéo đã dần dà được khai thông cho những chuyến hàng vật tư cứu trợ được mang đến đầy đủ hơn. Lửa lò hạt nhân cũng đang nguội dần với hằng vạn khối nước biển dội vào bằng công lao quả cảm của những người lính cứu hỏa quần quật đêm ngày. Một tuần lễ sau khi động đất xảy ra, tòa tháp Sky Tree Tokyo đã vươn đến độ cao cuối cùng 634 mét của nó để chứng minh công nghệ vượt trội của Nhật Bản. Câu chuyện hai bà cháu vào tuổi 80 được cứu sống từ dưới đống đổ nát vào ngày thứ 9 sau động đất cũng đã làm chúng ta nao nao phấn chấn khi nghĩ đến sinh lực kỳ diệu của con người. Và cho dẫu vết thương của thảm họa vẫn cắt đau từng đoạn ruột, nhưng, đó đây, những làn gió phương Nam đang miên man thổi về mang theo nắng ấm mùa Xuân để hong dần những băng giá của mất mát chia lìa.
Lòng ta ở với người
dù thân ta đày ải
dù sức ta đĩa dầu vơi
vẫn sáng lên một lời
lời ta ở với người.
Thiên nhiên đã bao lần cho thấy được năng lượng thần bí mà loài người chúng ta khó có thể nào chinh phục. Trong chu kỳ tan vỡ và tái tạo miệt mài đó, dù không ngừng phấn đấu cải tiến cuộc sống nhưng người Nhật vẫn luôn ý thức sâu sắc về sự hạn chế của số kiếp con người, vì thế họ rất yêu chuộng các nét đẹp lung linh phù mộng. Năm nay, giữa ngàn hoa anh đào mong manh chợt đến chợt đi như cõi đời vô thường này, sẽ không ít người tưởng nhớ khấn nguyện cho những hương hồn đã khuất. Cũng giữa màu hoa, giữa giao hòa của hiện hữu và hư không, rất có thể, con người lại một lần nữa trực diện với chính mình để đi tìm một phong cách sống: vẫn sáng lên một lời, lời ta ở với người.
Lòng ta ở với người
Lòng ta ở với người
người thật thà bị lừa dối
người trung trinh bị phản bội
người tín nghĩa bị bỏ rơi
người vô tội bị săn đuổi
người ngây thơ bị dập vùi
Lòng ta ở với người
người thân giam ngục tối
người xác vất bể khơi
người đêm đêm mòn mỏi
Lòng ta ở với người
ở bao giờ cho nguôi
Lòng ta ở với người
dù thân ta đày ải
dù sức ta đĩa dầu vơi
vẫn sáng lên một lời
lời ta ở với người.
Giã từ năm Thìn
Năm đã hết năm đã hết
Năm bàng hoàng như nụ cười
Trên khuôn mặt mệt mỏi
Năm đọa đầy những đêm giới nghiêm
Năm đằng đẵng những ngày tuyệt thực
Năm máu chảy và năm ruột mềm
Năm bom đạn và năm bão lụt
Năm đã hết năm đã hết
Năm sửng sốt như tiếng kêu
Giữa sự sống và chết
Năm suốt những con đường mưa giông
Năm dọc những bờ hè giá rét
Năm với lời vỗ về chiều tàn
Năm cùng tiếng trở mình khuya khoắt
Năm đã hết năm đã hết
Năm nhẹ nhàng như giấc mơ
Giữa đợi chờ thống thiết
Năm quí giá như nuốt ruồi son
Còn nở mãi trên ngực bát ngát
Như hương thơm của lá và nắng vàng
Còn tỏa mãi trong đêm ngào ngạt
Năm đã hết năm đã hết
Xin giã từ và cảm tạ năm
Năm của khổ ải và hân hoan
Năm của tình yêu và tội ác
Xin giã từ năm và cảm tạ năm
Năm của anh và em
Năm của khói lửa và tro tàn
Đang vùi kín thân thể ta lạnh ngắt
Trần dạ Từ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét