Ngày 4/7 vừa qua, không riêng gì truyền thông Nhật Bản, hầu hết các quốc gia quan tâm đến nghiên cứu khoa học đều vui mừng loan tin Viện nghiên cứu nguyên tử châu Âu CERN vừa nhận ra sự tồn tại với xác suất trên 99,9999% của một hạt mới có đặc tính được xem là "giống với hạt Higgs"!
Vậy hạt Higgs là hạt gì?
Mọi vật chất nếu phân tách nhỏ dần cho đến khi không còn chia tách được nữa thì sẽ xuất hiện loại hạt cơ bản. Hạt Higgs là một trong những loại hạt cơ bản đó và đã được nhà khoa học người Anh Peter Higgs tiên đoán về sự tồn tại của nó vào năm 1964. Trong khi những hạt cơ bản khác lần lượt được khám phá nhưng riêng sự tồn tại của Higgs cho đến giờ phút này vẫn chưa được xác chứng. Khác với các loại hạt cơ bản là thành phần cấu tạo của vật chất, hạt Higgs, với mệnh danh là "hạt thần" bởi vì không có nó sẽ không thể giải thích sự sinh thành của vũ trụ khi mà tất cả các hạt sau bùng nổ Big Bang cách đây 13,7 tỷ năm đều bay tung bằng vận tốc ánh sáng trong tình trạng không có khối lượng. Higgs mang lại khối lượng cho các hạt cơ bản đó ! Higgs được sinh ra vào thời điểm 1/10 tỷ giây sau Big Bang, giữ vai trò của chiếc áo khoác lên các hạt đang bay bằng tốc độ ánh sáng khiến các hạt chậm dần như thể rơi vào một vùng keo tụ để rồi 3 phút sau đó hình thành hạt nhân nguyên tử, 380.000 nghìn năm sau thì hình thành nguyên tử rồi phân tử và 900 triệu năm sau thì các vì sao và Ngân hà xuất hiện. Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị có tên gọi tắt LHC (Large Hadron Collider - Máy gia tốc hạt lớn) được chứa trong một đường hầm vòng tròn với chu vi 27 km, nằm ở độ sâu từ 50 đến 175 m dưới mặt đất vùng biên giới Pháp - Thụy Sĩ với đường kính là 3,8 m, có cấu trúc bê tông và được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton với động năng cực lớn. Sự va chạm này được xem là tương tự với bùng nổ Big Bang. Hạt Higgs sinh ra sau vụ nổ tức khắc bị phá hủy và biến thành dạng hạt khác vì thế các nhà khoa học đã sử dụng máy dò để truy tìm các mảnh vỡ của nó rồi sắp xếp các mảnh đó ngược theo trục thời gian. Và nếu đúng là hạt Higgs theo lý thuyết thì nó sẽ vỡ theo 5 cách khác nhau. Sự quan sát so sánh các loại mảnh vỡ này với từng loại hạt có khối lượng tương ứng sẽ là chìa khóa quyết định việc phát hiện hạt Higgs. Kết quả thí nghiệm vào đầu tháng Bảy vừa qua đã cho ra 2 cách vỡ vì thế phải cần thêm những dữ liệu khác trước khi CERN có thể quyết đoán đó là hạt Higgs.
Vậy nếu xác định được hạt Higgs thì vật lý lượng tử sẽ đạt đến giới hạn nghiên cứu hay không? Xin thưa là chưa. Đường dài vẫn còn trước mặt. Higgs chỉ là sự mở màn cho những khám phá lớn lao khác nhằm phá vỡ mô hình chuẩn của lý thuyết vật lý lượng tử cơ bản hiện thời nhằm tạo dựng một đỉnh núi vật lý mới, có thể giải thích hợp lý hơn những khúc mắc từ trước đến nay trong mô hình chuẩn. Và một trong những ứng viên được cho là có nhiều triển vọng để thay thế nhất chính là lý thuyết siêu đối xứng. Với lý thuyết này 96% vật chất có trong vũ trụ nhưng vẫn chưa được giải minh, tạm gọi là vật chất tối cùng với năng lượng tối được xem là loại năng lượng có nhiều liên quan đến tình trạng đang giãn nở của vũ trụ sẽ từng bước được vén màn bí mật.
Đọc đến đây sẽ không khỏi có nhiều độc giả thắc mắc tại sao Trang Văn nghệ lại nói về một câu chuyện nhiều tính khoa học như thế ? Tại sao đề tựa bài viết lại là Hạt Higgs và đôi mắt !? Xin thưa lý do như sau. Trên tạp chí văn chương mạng Da Màu số tháng Bảy, thi sĩ Nguyễn Viện đã sáng tác đoản thơ về một cô gái Việt Nam được nhiều người cả trong lẫn ngoài nước biết đến hiện nay, đúng hơn, đó là những suy tưởng của ông về ánh mắt của cô gửi lại cho người mình yêu, cho thân nhân bạn bè cùng chung lý tưởng, cho đám đông, cho cuộc đời trước khi bị công an Cộng sản kéo xốc lên xe áp giải về nhà giam. Ánh mắt đó, dù không lời, nhưng chắc hẳn đã làm chúng ta xao xuyến cảm thương, nó vừa thể hiện sự bất khuất và cũng vừa chan hòa sức mạnh cảm hóa. Giữa đám đông nhạt nhòa, đó là đôi mắt chan chứa vô biên.
Câu chuyện về hạt Higgs mang lại khối lượng tựa như chiếc áo khoác lên các loại hạt khác để từng bước hình thành vũ trụ ở phần đầu bài biết chính là minh họa dẫn nhập mang tính lung khởi cho cảm xúc và ước muốn được chia sẻ với những thẳm sâu của đôi mắt đó: đôi mắt đang hình thành một khối lượng gắn kết và tạo nên cách thế đấu tranh trực diện hơn trước kẻ thù hung hiểm.
Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời...
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử*
Huỳnh Thục Vy
Cô ấy bị bắt ngay trước cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 1.7.2012 tại Sài Gòn
Khi chưa làm bất cứ điều gì cho phép một sự gán ghép (tội lỗi) nào
Cho dù đó là tội yêu nước ngoài khuôn khổ ước muốn của chính quyền
Hay tội gây rối trật tự công cộng như cách nói của nhà nước
Cô ấy bị bắt
Chỉ bởi vì cô ấy là Huỳnh Thục Vy
Và trước khi bị đẩy lên xe mang đến đồn công an
Cô ấy đã gửi lại một ánh mắt
(ảnh internet)
Tôi đã nhìn thấy ánh mắt ấy nơi người đàn bà khoảng 2000 năm trước
Khi bà nhìn đứa con yêu dấu của mình bị treo trên thập giá
Đứa con của bà đã chết không vì bất cứ tội lỗi gì ngoài việc yêu thương nhân loại
Làm sao tôi có thể nói về ánh mắt ấy bằng ngôn ngữ của một người ngoài cuộc?
Liệu có phải tất cả chúng ta đều là người ngoài cuộc?
Khi nhiều người bị bắt vì bày tỏ lòng yêu nước hay sự công bằng
nhiều người bị chết oan ức trong đồn công an
nhiều người bị hành hung vô cớ trên đường hay trong nhà của mình
Chúng ta có quyền cho phép mình là người ngoài cuộc?
Khi thất vọng hay lo âu
Có thể tôi cũng có một ánh mắt như cô ấy để gửi lại
Nguyễn Viện
*thơ Nguyễn chí Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét