Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

LTS: Tháng Bảy, trên trời sao đêm, chùm tam giác mùa Hè trong đó có hai sao Chức nữ (Vega) và Kiềm ngưu (Altair) đang hiện rõ dần bên hai bờ Ngân hà. Truyền thuyết Á Đông cho rằng đây là đôi vợ chồng son vốn cần cù chăm chỉ, nhưng kể từ khi lấy nhau thì xao nhãng công việc nên bị Trời đày xa cách, một năm chỉ gặp nhau được một lần.
Mưa Ngâu tháng Bảy chính là nước mắt của đêm tương phùng này, và loài chim quạ Ô thước sở dĩ bị sói đầu vì phải đội sỏi để bắt cầu qua Ngân Hà cho đôi vợ chồng tái ngộ.
Tanabata no
        Yume no ukihashi wa
        Ujakukana
       
(Đêm Ngâu cầu nổi trời mơ
 Ngàn chim Ô thước nối bờ nhớ thương.)
Câu thơ Haiku của Sokan cũng đã cho thấy văn học Nhật bản chịu khá nhiều ảnh hưởng của truyền thuyết này. Người xưa quả thật tài hoa khi thêu dệt nên một chuyện tình với dụng ý giải thích một số hiện tượng từ thiên văn, địa lý cho đến sinh vật!
Cũng cách đây đúng 700 năm trước, Tể tướng Trần khắc Chung, bằng chiến thuyền nhẹ đã giằng cướp lại công chúa Huyền Trân từ tay Chiêm Thành sau một năm xa cách. Cho dẫu lịch sử vẫn còn dành nhiều nghi án trên đường về ly kỳ của đôi tình nhân này, thế nhưng, cuộc ra đi để đổi lấy một phần lãnh thổ của công chúa nhà Trần vẫn muôn đời đẫm đầy huyền thoại.
À ơi,
        Cái tình chi,
        Mượn màu son phấn ra đi… (ca dao)
Bạn đọc thân mến, bài thơ Vĩnh biệt tình yêu sau đây của Trần Mạnh Hảo đã được ông ngâm lên trong ngày hội ngộ với một số thi hữu trong và ngoài nước. Từ không gian thơ phảng phất màu huyền sử, qua hình ảnh người tình đưa tiễn Huyền Trân, tác giả muốn minh họa lại một lần nữa vóc dáng của dân tộc trong mỗi cơn can qua gió bụi và dường như muốn cảnh báo rằng nếu đánh mất đi bản sắc này, đất nước sẽ bị nhận chìm trong tha hóa và mê lộ mịt mù.   
        Nước Việt ơi
        Em yêu người đến sợ hãi
        Nước Việt đứng như bờ tre vẫy
        Em đi rồi tre đổ lá vào anh
Thông điệp mạnh mẽ nhất mà tác giả muốn nhắn gửi không phải là tự thân của cuộc chia ly này. Nó nằm ở số phận của những con người bị cuốn trong dòng sống hung hãn đó: bất lực và cam chịu.
        Đêm quê hương
        Trái tim en như quả táo non rụng bên đường
        Xin anh đừng nhặt
        Cứ để tim em phập phồng ngoài gió sương
Cho nên, khi thốt lên được tiếng lòng bi phẫn phá tung định kiến dị hiềm này, thơ như mang hơi thở và máu thịt của nhà thơ để thực sự vượt thoát và cũng để hòa sống trong dòng chảy tự do của thi tưởng. Sợi tóc nối đêm cùng ngày cũng như buộc đôi con người đã đứt. Dòng xoáy nào đang đến với vận mệnh mới. Chính tại đây thơ lại mở ra một nghi vấn trầm kha cho lộ trình trước mặt.
    Thuyền vua Chiêm tù và đã rúc
    Đêm hãy dài thêm bằng sợi tóc
    Cho em được nối với anh lần cuối cùng
    Nhưng sợi tóc buộc đôi ta đã đứt.
Tháng Bảy tại Nhật bản, núi Phú Sĩ được khai sơn trong gần 2 tháng để đón chào khách du ngoạn hành hương mùa hè. Đó đây, kể từ cao độ 2000 mét trở lên, những thớt tuyết rơi muộn bất thường vào đầu xuân năm nay vẫn chưa tan và đang trải mình trong gió núi càng làm tăng thêm hào hứng cho một chuyến leo núi trong đêm. Trên trời xa, màu bạc tinh khôi và thần bí của ngôi sao Chức nữ cách Trái đất hơn 25 năm ánh sáng đang tỏa chiếu. Biết bao tim óc của loài người đã bỏ ra để từng bước vén màn bí mật của triệu triệu vì sao. Trên hành trình tìm về bản thể của ánh sáng và vũ trụ đó, chúng ta không thể nào quên câu nói của Albert Einstein, nhà bác học lừng lẫy nhất thời đại này: Khoa học không thể nào sống nếu không có Tự do. Trang văn nghệ xin kính chúc bạn đọc một tháng Bảy thư giãn, lên rừng xuống biển với tràn đầy mùi vị và hồng ân của Tự do.

Vĩnh biệt tình yêu
Đêm mở hàm cá sấu
Nuốt dần em vào chỗ không anh
Châu Ô châu Lý
Hơi thở là gió bấc chạy vòng quanh
Chẳng lẽ em không còn thấy
Gương mặt anh chạm khắc nét Hồ Tây

Cái dáng vóc như sông Hồng vụt chảy
Đôi mắt Việt to hơn mọi thứ trên đời

Em đi
Những giận hờn ở lại tắm sương đêm tháng mười
Những hẹn hò bơ vơ ngoài đường vắng

Rạ rơm còn có mắt
Thương người yêu mất đôi


Đất đâu nỡ ăn lời thề thốt
Xứ Hời xa
Xứ Hời xa hơn chết
Tìm nhau sao được người ơi!
Những con đường ngày nào ta gặp
Giờ cuốn vào ruột em
Cái nhện nào đêm nay giăng tơ
Đừng bắt người yêu mắc lưới

Đêm quê hương
Trái tim em như quả táo non rụng bên đường
Xin anh đừng nhặt
Cứ để tim em phập phồng ngoài gió ngoài sương

Phải em vừa đi qua thời con gái
Qua thời đàn bà
Qua thời xanh cỏ
Người ơi, người chớ xót xa

Em yêu anh như yêu nước Việt
Chưa bao giờ người đẹp như đêm nay
Người là sông Hồng đứng dậy
Cầm gươm tiễn kẻ đi đày

Gà ơi sao vội gáy
Em xin đêm dài thêm một gang tay

Thuyền vua Chiêm tù và đã rúc
Đêm hãy dài thêm bằng sợi tóc
Cho em được nối với anh lần cuối cùng
Nhưng sợi tóc buộc đôi ta đã đứt

Nước Việt ơi
Em yêu người đến sợ hãi
Nước Việt đứng như bờ tre vẫy
Em đi rồi tre đổ lá vào anh

Kìa bóng anh ngoài cổng thành như xoáy lốc
Đừng nhìn
Đừng vĩnh biệt em
Sợ em rơi xuống vực
Tia mắt người dài hơn dây cột chân

Phải nước Việt là anh cầm đuốc
Đứng muôn đời thương nhớ đợi Huyền Trân
(Sài Gòn 1984) Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét