Và, dường như muốn tạo nên một điều gì mới lạ, con người cần phải biết: quên. Không biết quên, quá khứ đau đớn nào đó sẽ đè mãi tâm hồn, khiến chúng ta khó mà gượng dậy, phục hồi. Quên có lẽ là một trong những hoạt động tái tạo cao cấp nhất của bộ não loài người. Nếu không biết quên, nhà thơ Đồng Đức Bốn khó có thể sống theo từng ngày cực khổ của đời mình.
Tôi vừa lo được miếng cơm
Thì mất tí lửa tí rơm gầy lò.
Tôi vừa vượt bão mưa to
Chân đã phải lội đi mò sông sâu.
Tiệc tất niên Bonenkai (vong niên hội) tại Nhật có lẽ có xuất xứ từ ý nghĩa đó. Quên đi để hy vọng, bởi vì hy vọng cũng là quyền lợi vốn dĩ rất bình đẳng của mọi con người từ nguyên thủy. Thế nhưng quyền lợi này đang là đề tài xã hội học gây nhiều tranh luận nhất hiện nay. Luận điểm chính trong quyển sách “Xã hội phân biệt hy vọng” của giáo sư YAMADA Masahiro cho rằng tình hình xã hội toàn cầu hiện nay đã thúc đẩy tiến trình phân hóa lưỡng cực của một bên là những người có cơ hội thành đạt ước mơ và bên kia là khối người đang mất đi dần dà khả năng hy vọng do nhiều thất bại suy sụp trong cuộc sống. Tiếng súng tàn nhẫn nổ ra vào tối 14/12 vừa qua tại câu lạc bộ thể thao thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki của hung thủ Magome lang thang thất nghiệp, chán sống nhắm vào cô huấn luyện viên bơi lội tài trẻ và người bạn cùng lớp có thể là một trong những triệu chứng bạo loạn của sự phân hóa này.
Chính vì thế, HIRO Sachiya, nhà bình luận tôn giáo đã đề nghị một biện pháp là “Hãy đừng ôm ấp hy vọng, bởi vì hy vọng đồng nghĩa với bất mãn hiện tại, đó chính là dục vọng. Hãy biết bằng lòng với những gì của chính mình để an vui và không gieo thất vọng”. Có lẽ rồi thay vì chúc nhau năm mới đầy hy vọng chúng ta sẽ đổi thành một năm mới không thất vọng(!) hay sao? Xin đọc thêm một đoạn thơ của Đồng Đức Bốn:
Đời tôi tình rách tả tơi
Bây giờ nhặt mảnh sao rơi vá vào.
Đời tôi giầu ở chiêm bao
Bây giờ ngồi hút thuốc lào với trăng.
Để thấy rằng nếu biết trộn thêm một chút trăng sao trong bữa ăn tinh thần hằng ngày, chúng ta rất có thể vượt qua được nghèo hèn và thua thiệt một cách thản nhiên. Bài thơ bắt đầu bằng những toan tính đầu tắt mặt tối của hoạt động kiếm sống hằng ngày đã chuyển hẳn sang một mạch suy nghĩ mới, khinh khoái và nhàn nhã, tạo cân đối hoàn chỉnh cho tứ thơ mở rộng, dạt dào.
Tháng 1, trên mọi nẻo đường, cây hoa anh đào đã rơi nốt chiếc lá cuối cùng, trơ trọi chống chỏi với mùa Đông đang ập đến.
Ono irete
Ka ni odoroku ya
Fuyu kodachi
(tạm dịch)
Chạm rìu cây bật mùi hương
Thân cành trong rét run tươm nhựa đầy.
Bài Haiku của Buson đã cho biết sức sống mãnh liệt của những hàng cây lặng lẽ trong gió Đông lạnh lùng đó. Một năm mới vừa đến. Mạch đời vẫn đang cuộn chảy. Trang Văn nghệ kính chúc bạn đọc quên mau phiền muộn để bắt đầu cho hy vọng mới, và nếu không may đang trong cơn tuyệt vọng, mong bạn bằng lòng, chấp nhận với cảnh ngộ mà cuộc đời đã trót mang đến để tin rằng:
Bao nhiêu là nỗi đau qua
Gom vào thành những phù sa cho người.
Bao nhiêu là giọt mắt rơi
Làm mưa chứ chẳng làm trời nổi giông
cuộc đời này đẹp lên bởi những làn phù sa đắp xây bằng bao dung và nhẫn nhục.
Đời tôi
I
Tôi vừa lo được miếng cơm
Thì mất tí lửa tí rơm gầy lò.
Tôi vừa vượt bão mưa to
Chân đã phải lội đi mò sông sâu.
II
Mải mê tính chuyện không đâu
Qua sông đã gẫy nhịp cầu chẳng lo.
Bòn mãi được mấy sợi tơ
Giăng ra bao kẻ đã vơ vào lòng.
Bây giờ còn có ai mong
Mà người mượn gió bẻ con trăng ngà.
III
Đời tôi tan nát bơ vơ
Nhớ thương là đợi còn chờ là yêu.
Đời tôi như một con diều
Đứt dây để trống cả chiều ngẩn ngơ.
VI
Đời tôi mưa nắng ở đâu
Bây giờ vuốt gió trên đầu tóc rơi.
Đời tôi tình rách tả tơi
Bây giờ nhặt mảnh sao rơi vá vào.
Đời tôi giầu ở chiêm bao
Bây giờ ngồi hút thuốc lào với trăng.
Đường đi
I
Đường đi to nhỏ đường dài
Thẳm sâu xuống biển lai rai lên đèo.
Có gì không để tôi theo
Cả đời bạc tóc vẫn nghèo xác xơ.
Có gì không để tôi chờ
Đời người được mấy giấc mơ đã tàn.
Bao nhiêu hy vọng cũng tan
Mà sao vàng ở trong than vẫn ngời.
Bao nhiêu cái mặt con người
Đánh nhau mũ áo tả tơi vẫn còn.
Bảo rằng phía trước là son
Tôi đi đến hết đường mòn lại không
II
Cứ đi theo vết bùn nhơ
Bao giờ qua những bến bờ thương đau.
Bảo rằng khổ trước sướng sau
Mà trăm năm vẫn thấy nhau bọt bèo.
III
Bao nhiêu là nỗi đau qua
Gom vào thành những phù sa cho người.
Bao nhiêu là giọt mắt rơi
Làm mưa chứ chẳng làm trời nổi giông
Bàn chân đã xéo lên chông
Máu chảy không sợ thì không sợ gì.
Đồng Đức Bốn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét