Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tháng 01-2013

Tối 10/12 (rạng sáng ngày 11 giờ Nhật Bản) tại Nhà hát thành phố Stockholm, Quốc vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf chính thức trao tặng huy chương Nobel Y học đến Giáo sư YAMANAKA Shinya, đại học Kyoto Nhật Bản trước sự chứng kiến của đông đảo hoàng gia, cùng 1200 quan khách và phu nhân giáo sư trong tà áo Kimono màu hồng nhạt. Khác với sự tự tin thường thấy của một nhà nghiên cứu lỗi lạc danh tiếng trên bục cao giảng đường, giáo sư YAMANAKA nhận giải bằng tất cả sự trịnh trọng đồng thời để lại những phát biểu rất khiêm cung nhưng cũng ắp đầy hàm ý.
"Tôi chỉ là kẻ quá giang may mắn nhận giải", khi nói thế, ông ngụ ý rằng mình chỉ là người thừa hưởng các thành quả nghiên cứu của các khoa học gia đàn anh, tuy nhiên không một ai trên thế giới có thể phủ nhận rằng công trình phát minh tế bào gốc IPS từ việc cấy ghép tế bào chuột năm 2006 và tế bào người vào ngay năm sau đó của ông là bước đột phá to lớn mở ra viễn ảnh đầy hy vọng trong lĩnh vực y học tái tạo đang hướng đến đến việc chế tạo lại các bộ phận cơ thể của một người bằng tế bào gốc IPS được làm ra bởi chính tế bào của người đó. Xuất thân là một bác sĩ, tư duy nghiên cứu của ông không dừng lại ở khám phá lý thuyết, YAMANAKA ráo riết truy đuổi mục đích sau cùng của y học là cứu sống bệnh nhân: "Nếu nghiên cứu khoa học được ví như cuộc chạy marathon, thì Giải thưởng Nobel này chỉ là điểm quay vòng ở giữa, khó khăn thực sự đang nằm phía trước", câu nói này tiên đoán những gian nan trong ngày tháng sắp đến, đồng thời thể hiện quyết tâm phát triển thành tựu sinh lý học rực rỡ này vào áp dụng lâm sàng để thực sự cứu người. Ở tuổi 50 điểm giữa cuộc đời đầy vinh quang này khi toàn thể nhân loại đang đặt kỳ vọng vào tiềm năng chữa trị to tát được xem là vạn năng của tế bào IPS, thì ngay sáng họp báo hôm sau ngày nhận giải, trên tấm giấy màu ông cẩn thận viết hai chữ "Shoshin" (Sơ Tâm: tâm thế ban đầu). Những năm tháng miệt mài thí nghiệm, theo ông chỉ là một cuộc đi tìm những kết quả không ngờ. Cơ hội khoa học nằm trong những phát hiện bất ngờ là điều có thể hiểu được, thế nhưng biết dứt khoát với tột đỉnh vinh quang của hôm qua để bắt tay ngay vào một hành trình không kém khó nhọc so với trước đây là chuyện không dễ. BABA Akiko, nữ thi hào hiện đại Nhật Bản đã từng viết:
"Shoshin to wa itsudemo kaereru kao wo shite katawara ni arite sude ni kaerezu"
tạm dịch:
Buổi ban đầu đó rành rành
Mấy người tìm được chân thành ngày xưa.
"Giải thưởng của những tiếng đồng hồ trước đây đã trở thành quá khứ và huy chương Nobel chỉ là một báu vật được cất giấu kỹ lưỡng mà tôi sẽ không có dịp nhìn lại", đó là ý nghĩa của Sơ Tâm, của quay về điểm gốc bằng tâm tư tinh khôi ngày đầu để tiếp tục hành trình mà khôi nguyên Nobel Y học YAMANAKA đã tuyên bố lúc chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi đứng trên đỉnh cao thảm đỏ hàn lâm chói lòa. Khi cho rằng giải Nobel chỉ là "ly nước mát lòng giữa cuộc đua đường trường", người lực sĩ khoa học ưu tú của nhân loại đó chắc hẳn ít có thời gian để dừng lại nghỉ ngơi mà vẫn phải đang tiếp tục rong duỗi đi tìm những tầm cao khám phá mới. Vóc dáng khoa học lao nhanh về phía trước, sẵn sàng quên đi phù hoa quá khứ đó chợt làm chúng ta nhớ đến ý thơ xuất thần của Bùi Giáng:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Dòng đời, cũng giống như dòng chảy của khoa học mà phía sau như một giấc ngủ dài thêm sức cho bước đường tương lai rạo rực.
 Một năm mới vừa đến, ngày tháng khởi điểm này thường khiến chúng ta nghĩ lại những việc đã qua, đặc biệt là buổi ban đầu: ngày đầu đi học, ngày đầu tiên đi làm, thưở ban đầu yêu nhau, ngày sinh con đầu lòng.... Năm mới vì thế cũng thường trở thành thời điểm của thao tác tự đối chiếu trong đầu óc con người. Nhìn sau để soi trước là một trong những hoạt động tinh thần cao cấp nhất mà Thượng đế đã ban cho loài người. Sự tiến hóa phải chăng là chuỗi liên hoàn triền miên của "nhìn và soi" đó:
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
ấn trang sử lịch thu triền miên trôi
Những câu thơ thơ thẩn phiêu hốt cùng ngàn năm gió thổi mây trôi trên của Bùi Giáng trong những ngày đầu năm như thế này lại đến với một ý nghĩa mới lạ của những nhắc nhở về kiếp người chúng ta cho dù vô cùng nhỏ bé như cỏ cây, như hạt bụi nhưng lại chan hòa biết bao là dao động đầy dấu ấn trên hành trình ngót nghét trăm năm:
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người.
Hành trình đó sẽ phải đối mặt với biết bao là chướng ngại thác ghềnh. Và trong những cơn thử thách ấy, biết trở về Sơ Tâm, biết tìm đến sức mạnh của Nguyên Xuân tự tại vẫn luôn là một bí kiếp sống sáng lòng giúp ta vượt mọi u minh. Trang văn nghệ xin kính chúc quí độc giả một năm mới bình an, như ý.
Chào Nguyên Xuân
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin cam
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàn xa dặm dài?
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
Mắt buồn
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
ấn trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
BÙI GIÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét