Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

LTS: Tháng 10 đến êm đềm khi tiếng ve vừa dứt. Đó đây, trên lối mòn, trên cây, trên cỏ, những đôi cánh chằng chịt gân tơ tinh tế phủ trên thân thể đang nằm bất động chờ ngày trở về cát bụi của loài côn trùng nghệ sĩ này như càng gợi niềm thương cảm trong đợt nắng cuối mùa. 10 năm âm thầm sống dưới lòng đất để rồi hóa thân thành trùng trong 7 ngày, ve cất cao tiếng hát hòa nên bản hợp tấu sinh động của mùa Hè.
Tiếng hát như bi như hùng!
Trung thu cũng đã vừa qua, không biết rằng thế kỷ này rồi sẽ còn những trăng mờ thổn thức, hoặc trăng sóng soài trên cành liễu, của một thời lãng mạn xa xưa, hay là trăng đã vơi phần kiều diễm khi phơi lộ hình hài khô khốc dưới ống kính của các chuyến phi hành vượt tinh cầu vào cuối thế kỷ qua. Thám hiểm mặt trăng đã trở thành chiến lược tranh hùng biểu dương sức mạnh quốc gia từ những năm 60 dẫn đầu bởi Hoa Kỳ và Nga Sô. Những năm tới đây Trung Quốc và Ấn độ cũng sẽ nhập cuộc để bắn vào quĩ đạo vệ tinh khảo sát các hình thể cắt lớp, xác định phân bố nham thạch và tính chất từ trường…hầu có thể đưa ra kết luận cuối cùng trước những tranh luận liên tục về nguồn gốc hình thành của vệ tinh gần gũi nhất với trái đất này.
    KAGUYA là vệ tinh nhân tạo mới nhất do Nhật bản chế tạo được bắn bằng siêu hỏa tiễn H2A vào quĩ đạo cách xa trái đất 100 km trong tháng vừa qua. KAGUYA cũng là tên của nàng tiên xinh đẹp lưu lạc xuống trần, khéo léo từ chối lời đính hôn của năm chàng hoàng tử bằng tài trí thông minh để sau đó trở về thế giới của mặt trăng vào một đêm rằm trong cổ tích Nhật bản. Dự án khoa học nghiêm chỉnh có chi phí khổng lồ 55 tỷ yên này lấy tên của một nàng tiên trong truyền thuyết như đã thể hiện phần nào ước vọng lãng mạn của con người khi thám hiểm mặt trăng.
Trong lời phản đối :“ lên mặt trăng để làm gì vậy!”, văn hào YAMAMOTO Natsuhiko có lẽ đã phần nào bất mãn trước chi phí cực lớn một cách vô lý của các dự án thám hiểm, phần nữa, là một nhà văn, ông muốn dành lại cho tinh cầu duyên dáng này sự huyền hoặc cố hữu để muôn đời say đắm…
Ngồi quanh xem trăng sáng chiếu ven chân rừng
Lặng lẽ muôn ngàn lá ru lời theo gió
    Hai mươi năm trước, có một vầng trăng nở ra giữa lòng bom đạn để “lá ru lời gió” bao tấm lòng cưu mang nợ nước thù nhà của những tay súng bất khuất Việt nam vào cuối thế kỷ. Trăng Chiến Khu là một trong những ca khúc của dòng sáng tác hào hùng và không kém phần lãng mạn đó. Hào hùng vì đó là những con người biết rời xa êm ấm để bày tỏ một cách sống quyết liệt mà ít kẻ dám nghĩ chứ chưa nói là dám làm. Viên đạn cuối cùng dành cho chính mình để không sa vào tay giặc của vị tướng lãnh đạo trong trận đụng độ với giặc thù đúng 20 năm trước đây như còn loang vết máu trong lương tâm của những con người không chấp nhận Cộng sản độc tài và tin chắc vào sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa phi nhân này. Xin thử lắng nghe:
Rừng ơi mang trăng sáng đến rung bao lòng
Vì nước nên lìa mái gia đình êm ấm
Trăng hỡi theo ta, về dưới mái nhà
Nhắn ai chờ, một ngày ta sẽ trở về…
để thấy rằng trái tim gang thép đó rất có thể đã rướm máu vì tình nhà. Chính tại đây nhạc chuyển khúc, hợp âm Mi trưởng sau đó tưởng như là một bàn tay gân sạm đang vuốt ngược giòng lệ riêng để một lần nữa nhìn trăng, xông tới.
Chân vui theo bước tang bồng,
Đêm nay ôm súng mơ mộng
Hẹn người cuối tận trời mong…
    Kính thưa bạn đọc, nếu có những bài ca mang lại cho chúng ta cả một miền quá khứ, thì cũng đã có những cái chết nhắc nhở lại nghĩa sống. Tiếng ve dù đang lịm đi, nhưng không thể nào quên được âm hưởng râm ran rực rỡ nắng Hè của nó trong luân chuyển bốn mùa trái đất. Và nếu là một dân tộc biết yêu sự thật, thì tiếng súng kháng chiến Việt Nam vùng dậy ở buổi đầu đời mất nước sẽ còn vang vọng mãi trong lịch sử của dân tộc này.  
    “ Lên mặt trăng để làm gì vậy!” xin cảm ơn YAMAMOTO Natsuhiko, không có ánh trăng yêu kiều chúng ta sẽ khó mà có được những dòng nhạc Kháng chiến lãng mạn kiêu hùng nuôi nấng một ngày về quang phục trước khi bước vào thế kỷ này.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét