Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Đáng tự hào



LTS: Tuần qua, khi đang lướt mạng, bỗng gặp được một tin vui. Cô Nishiyama Tomomi, một phụ nữ Việt nam hiện đang sống tại tỉnh Kanagawa đã được bình chọn nhận giải Kamenori 2010.
Đây là giải thưởng dành cho những cá nhân cũng như đoàn thể có đóng góp ý nghĩa vào sự nghiệp giao lưu văn hóa giữa Nhật bản và các nước. Tên cô đã được gióng lên trong ngày khai mạc “Diễn đàn Kamenori 2010” cùng với tấm bảng khen thưởng bằng pha lê và một ngân khoản hỗ trợ.

Sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết Tomomi tên Việt là Phan thị Thanh Thúy, sinh trưởng trong một gia đình nặng tình với đất nước. Lớp Việt ngữ mà cô điều hành đã được thành lập cách đây 7 năm, khi cháu bé đầu lòng vừa đến tuổi vỡ lòng.
    Bảy năm, vừa nuôi con vừa theo đuổi công việc nặng nhọc của một y tá điều dưỡng tại bệnh viện, một tháng 2 lần, liên tục và bền bỉ, cô đã vượt qua biết bao khó khăn của cuộc sống để đến lớp đều đặn, chuyển tải từng bài vần tập đọc, sửa lại từng nét chữ cho khoảng 20 trẻ em Việt Nam tỵ nạn thế hệ thứ 2 trong vùng. Cố gắng này của Thúy đã trở thành lý do nhận giải khi được tổ chức Kamenori đánh giá rằng: Đây không phải là hoạt động giao lưu hoặc hợp tác mang tính giai đoạn nhất thời. Nổ lực đó đã hình thành một chương trình phát triển tự lập mang tính liên tục và gắn kết với hoạt động của người dân địa phương.
Khi đón nhận một giải thưởng, thường thì người nhận giải nghĩ ngay đến những người thân thiết dã luôn hỗ trợ và động viên mình vượt qua trở ngại. Chắc Thúy cũng thế. Bố mẹ và gia đình là tấm gương sáng đã hun đúc cho cô đầy đủ nghị lực vượt qua chặng đường thử thách đầu tiên của bảy năm qua. Chia vui với Thúy, vì thế cũng chính là chia vui với cả gia đình cô.
    Viết đến đây, chúng tôi chợt nghĩ đến ngày 8/1 khi giải Kamenori đang được trao tặng giữa lòng thủ đô Đông Kinh, thì ngay chính trên quê hương Việt Nam, trước và sau đó không lâu, những người phụ nữ được cả thế giới vinh danh là anh thư Việt Nam đã phải nhận lãnh những bản án tàn bạo chỉ vì lòng yêu nước của họ.
    Người phụ nữ thường vẫn sống cho hạnh phúc giản đơn, dễ hiểu cũng như luôn biết gắn bó bảo vệ các giá trị gần gũi với mình bằng lòng khoan dung ôn hòa. Phần lớn phụ nữ đều có thể tạm gượng chấp nhận những nghịch lý của xã hội để cầu mong bình an cho chính gia đình mình, do đó ít khi họ nổi giận. Trần Khải Thanh Thủy, Lê thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên có khác. Trong ngày đêm lao tù, họ chẳng thể nào khỏi xé lòng khi nghĩ đến cha mẹ chồng con của mình, đến gian nhà ấm cúng của mình. Nhưng khác người ở chỗ là dù đã biết trước đọa đày này sẽ xảy ra nhưng cả ba vẫn dấn thân hy sinh để gióng giả trả lời thẳng thắn trước bạo lực. Có một nhà thơ mà trong phút giây nghĩ đến điều này thì ly bia thư giãn chiều nay chợt đắng:
Trái tim tôi cứ vật vã trăm bề
Đúng và sai. Dùng, hay bẻ cong ngọn bút?
Để gia đình, dòng họ thôi day dứt
Để tôi được chiều chiều uống bia?…
Day dứt đó của nhà thơ sau đây cũng chính nỗi ám ảnh hiện nay của con người trước các giá trị hằng cửu được coi là đương nhiên đằng này nhưng lại bị dập vùi ở đằng kia. Day dứt đó đồng nghĩa với một lời trần tình thú tội đầy dũng khí: tội lặng thinh. Im lặng là đồng lõa. Có thể hiểu trong văn cảnh này là như thế. Thủy-Nhân-Nghiên đang ngồi tù. Họ đang mất tự do vì cổ vũ cho tự do. Họ đang bị chà đạp nhân quyền chỉ vì muốn tôn vinh nhân phẩm. Nghịch lý này làm đắng ly bia, làm rõ hèn manh và tủi nhục của nhà thơ là vì thế:
Xin được hôn bàn chân em lạnh ngắt
Xin được nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như chiếc lá còn xanh…
Và,
Thấy rõ cái hèn manh
Nhục tủi của chính mình!
Tháng 3 hằng năm với ngày 8 vinh danh phụ nữ quốc tế. Đề nghị các em lớp Việt Ngữ Zengyo hãy tặng cho cô giáo Thúy một bó hoa tươi bày tỏ lòng biết ơn dạy dỗ. Cũng xin đề nghị cả dân tộc này hãy dành một bó hoa lòng cho Thủy - Nhân - Nghiên.

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt...
Kính tặng Ng. quý yêu
Ngắm ảnh em tôi chợt nghĩ rằng
Tôi chẳng thể bằng cái móng chân
Không hề được sửa tô
Của người con gái nặng chưa đầy bốn chục ki lô…
Ngày em một mình thân cô, thế cô
Cũng là ngày cơ quan
Tôi “làm việc”.
Tôi thành kẻ mù loà câm điếc
Khiếp sợ doạ đe.
Trái tim tôi cứ vật vã trăm bề
Đúng và sai. Dùng, hay bẻ cong ngọn bút?
Để gia đình, dòng họ thôi day dứt
Để tôi được chiều chiều uống bia?…
Tôi không khóc nhưng nước mắt đầm đìa
Nghĩ. Sao cuộc đời khổ thế?
Tôi vạch mặt những con sâu
Trong vô số những nồi canh rau
Mà người dân phải nhai, phải nuốt
Giả nguỵ, lộng hành, chụp giựt…
Sao người cứ bảo tôi sai?
Tại sao chúng vẽ bậy, nói dai
Việt Nam xâm lược,
Lý Thuỵ bán đứng Phan Sào Nam với đầy mưu chước
Pano quân đội ta lấy hình quân Trung Quốc…
Vẫn thong dong xe sớm tối đón đưa về?
Ví căng phồng tiền cướp bóc hả hê
Còn em, đau đớn ê chề?
Tôi huyễn hoặc chính mình bằng cách ru mê
Đi giữa hai lề phải trái
Như bao kẻ yêu quê hương bằng nước dãi
“Anh đi giữa hàng quân”
Chẳng chết bao giờ!
Tôi ngồi nhìn những viên thuốc vừa mua
Nhưng lại sợ nên không dám uống
Cứ tự trách mình mục ruỗng
Và, cầu xin
Em tha thứ, em ơi!
Lời nguyện cầu bèo bọt trên môi
Bởi tôi thấy mắt em cười giễu cợt
Tự do lặng câm là điều dễ ợt
Silence est lor(!)?
Bài học tiếng Pháp thuở học trò.
Cuộc đời tôi như một giấc ngu mơ
Đêm nối đêm ngập tràn ác mộng
Thương em, nghìn thu ngoài đời gió lộng
Một ngày của em
Bằng cả năm
Tôi sống vật vờ…
Sao em “cô đơn đến thế”?
Sao trí thức là tôi giống loài cua bể?
Đi thoảng qua chập chờn, kể lể
Rồi. Im. Giương mắt lặng câm nhìn?
Nhìn nhưng chẳng thấy niềm tin
Cứ nói cười, giả lả
Cứ tung hô những điều dối trá
Tung hô dốt nát giảm rồi
Tung hô cuộc đời khi nước mắt cứ rơi
Tung hô mình “khôn”, em dại…
Chẳng thèm biết em là trẻ, gái
“Còn một giọt máu tươi còn đập mãi,
Không phải cho em, cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em yêu dấu tuyệt vời”
Dám lặn lội thân cò
Tìm quạnh vắng chốn xa xôi…!
Tôi ngồi rên bằng cách xếp chữ thành “thơ” ôi(!)
Muốn quỳ xuống để cầu xin em
Điều rất thật:
Xin được hôn bàn chân em lạnh ngắt
Xin được nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như chiếc lá còn xanh…
Và,
Thấy rõ cái hèn manh
Nhục tủi của chính mình!
Huế, 3-2.2010.
Hà Văn Thịnh
Ghi chú: Bài có sử dụng câu, từ của nhiều người khác…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét