Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

LTS: Tin tức liên quan đến cái chết cũng như các bài viết vể thân mẫu của danh thủ bóng chày Oh Sadaharu đã được đăng tải nhiều ngày ngay trên trang nhất của các nhật báo lớn. Ở Nhật, không ai không biết Oh. Với 868 quả homerun đã đi vào cầu sử của hành tinh này,
Vua homerun Oh còn nổi tiếng ở nhân cách trầm tĩnh, nhẫn nại và rất mực hiếu thảo. Trong trận đấu của quả bóng homerun thứ 756 vào ngày 3 tháng 9 năm 1977 đột phá kỷ lục thế giới, Oh đã mời cha mẹ lên khán đài danh dự để trao vòng hoa biết ơn sinh thành trước khi lao vào quỹ đạo vinh quang của đời bóng chuyên nghiệp. Người ta vẫn còn nhớ tại cầu trường đêm đó, tất cả khán giả đã đồng thanh kêu vang "cầu thủ số 1, hiếu thảo số 1". Mất ngày 16 tháng 8 năm nay ở mức Thiên Thọ 108 tuổi, mẹ ông, bà Tomi là một người đàn bà giản dị, chất phát và rất mực khiêm tốn. Chính đức khiêm tốn đã làm nên vĩ nhân Oh. Sinh ra ở tỉnh Toyama, xứ tuyết miền Tây Nhật Bản, đến Tokyo làm nghề giúp việc vào lứa tuổi 15, sau đó bà gặp gỡ rồi kết hôn với ông Vương Sỹ Phúc (Oh Shi Fuku), người tỉnh Triết Giang Trung quốc bấy giờ đang lưu lạc tại Nhật vì chiến tranh Quốc Cộng Hoa Lục. Do nạn kỳ thị còn nặng nề trong xã hội Nhật thời đó, anh em của Oh phải lấy họ mẹ, sống âm thầm tránh né mãi cho đến lúc chiến tranh kết thúc sau khi cha mẹ hoàn tất thủ tục hôn thú chính thức. Bà Tomi đã phải vất vả cùng chồng vật lộn kinh doanh với một quán ăn Trung Quốc, và Oh, cho đến năm 3 tuổi vẫn chưa có thể đứng vững do di chứng của người chị song sinh mất vào lúc 15 tháng tuổi. Trong hồi ký của mình, khi hồi tưởng lại ngày giải nghệ của Oh, bà Tomi viết: "Mẹ hạnh phúc lắm con ạ. Bởi con đã làm nên những điều to lớn như hôm nay trong khi cha mẹ chỉ là người vô học lại chẳng có tài năng gì đặc biệt.". Có lẽ, hơn ai hết, Oh thấm thía từng tâm sự khiêm cung này của mẹ. Nếu không có từng bát cháo chắt chiu trong khi phải đầu tắt mặt tối hằng ngày để nuôi cậu Oh nhiều bệnh tật cho đến khi khôn lớn, nếu không có những đêm trường thức suốt bên giường bệnh của Oh, nếu không có những lần bồng bế Oh dắt díu xuyên qua đạn bom loạn lạc, và trăm ngàn cay đắng khác vì con...thì sẽ chẳng thể nào có được 868 quả bóng kỳ tích bứt phá khung sân, và giấc mơ mà Oh mang lại cho từng cầu thủ niên thiếu hôm nay sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Áo mặc không qua khỏi đầu, là vì thế. Viết đến đây, chúng tôi chợt nhớ đến một nhà thơ Việt Nam cũng có điểm gần giống: Hồ Dzếnh.
    Thân phụ nhà thơ là người Quảng Ðông, chạy loạn sang Việt Nam khoảng 1890, gặp mẹ ông: cô lái đò bến sông Ghép, Thanh Hoá. Cuộc hôn nhân nhiều buồn rầu này hình như đã đúc tạc các khối sầu sâu thẳm trong thơ Hồ Dzếnh:
Quê em xa thẳm màu mây gió,
Buồn vút không gian mất định kỳ.
    Điểm khác biệt lớn nhất giữa ông với các nhà thơ tiền chiến đương thời cũng do chính từ nỗi "sầu vạn cổ" này. Trong khi các nhà thơ kia miệt mài khao khát đi tìm và đem buồn vào thơ, nhuộm buồn văn học bằng thơ thì ngược lại nỗi buồn đã đến cạnh ông tự lúc chào đời, buồn tìm đến ông, nhuộm phủ đời ông bằng hồn thơ không hề gượng gạo mà vẫn mang mang là buồn.
Trên đường về nhớ đầy
chiều chậm đưa chân ngày
tiếng buồn vang trong mây.
Chim rừng quên cất cánh
gió say tình ngây ngây
    Sự nghiệp văn học của Hồ Dzếnh không đồ sộ như các tên tuổi cùng thời, tuy nhiên giọng thơ mà ông hòa điệu trong văn đàn tiền chiến đã để tại một cung cách độc đáo và đáng trân trọng. Không chỉ vì ông là người gốc Minh Hương nhưng đã làm thơ tiếng Việt, mà chính là do tính cảm thụ tinh tế được thể hiện qua những lời thơ đã chuyên chở được nỗi xao xuyến của thời đại mình:
có phải sầu vạn cổ
chất trong hồn chiều nay
    Tác phẩm của ông còn là nỗi thở than về những người đàn bà đã đi qua và để lại các dấu ấn không thể nào phai trong đời, trong đó có mẹ ông là hiện thân của nguồn lực xuyên suốt dòng tác phẩm. Rồi binh đao chợt đến. Trong những năm lao khổ dưới thời Việt Minh, Mẹ lại đến trong hồn ông, máu hòa lẫn sữa, để từ đó tư duy ông bật khóc trước bạo tàn của một chế độ thui chột tình người:
    "Máu cứ ứa, sữa cứ bật ra, cả một nguồn sống huyết lệ mẹ tôi cấp cho tôi để tôi đi vào đời     với những con người ít khi nghĩ rằng nhân loại là một tác phẩm nhẹ mỏng như pha lê cần     phải nâng niu từng cử động nhỏ. Giá những người nhắm mắt xô đẩy cả nguồn hy vọng     loài người xuống hố đen thoả thích, cũng được trời ban cho đôi đầu vú nứt cổ gà như vậy,     thì chắc là đại hoạ được tránh đi, hoà bình phải được tôn trọng. Than ôi, chỉ vì quyền sinh     sát lại ở những con người không được đẻ, không biết đẻ là gì, lấy lý trí để án ngữ cảm tình,     và mỉm cười cho rằng sống ở đời nhiều khi phải tàn nhẫn"
Đây là những năm tháng ông cảm nhận mạnh mẽ nhất về suối nguồn tình yêu từ Mẹ. Không có sự trở về với tình mẹ kỳ diệu này chưa chắc ông đã qua nổi đoạn đời hãi hùng đó.
    "Có lúc tôi nhai mạnh đầu vú. Ở chỗ thịt nứt, nước miếng tôi thấm vào, tia sữa bị rút lên,     nghe buốt đến tận ruột mẹ. Và sữa tuôn ra với máu, chảy tràn ra hai mép tôi, chất ngọt dịu     pha lẫn mùi vị tanh hăng làm cổ tôi nuốt vội. Mẹ tôi co người, nghiến chặt răng lại, đôi     mắt chớp chớp trong dòng lệ nóng hổi."
Đã có lúc ông định lập thuyết trong hồi ký "Quyển truyện Không tên" của mình. Lý thuyết của ông không xa xôi trừu tượng chỉ là lý thuyết của tình yêu hòa bình, thế nhưng cho đến lúc cuối đời trong thân phận của một người thợ cơ khí, ông vẫn mảy may chưa được toại nguyện:
    "Bố muốn rằng, đọc lại nó, con nên có cái tâm niệm này trước hết: đừng bao giờ cổ võ,     dầu chỉ bằng một lời nói vô tình, cái ý thức chém giết hằng rền vang trong mạch máu động     vật .... Cái thời đại bố sống, anh em thù nhau, Ðông Tây ghét nhau, quả đất hừng hực     những căm hờn bất mãn. Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người ta không biết gì hơn là thủ tiêu     nhau để hòng thoát ngõ bí."
Bước đi từ nỗi "sầu vạn cổ" cưu mang bẩm sinh trong người để đi vào văn học nước nhà bằng các tác phẩm trữ tình, rồi sau đó phẫn hận bi ai trước chế độ độc tài và cuối cùng là thái độ câm nín tìm quên. Trong suốt dòng chảy lận đận của thơ và đời đó, Hồ Dzếnh đã không chỉ để lại những câu thơ lãng mạn chỉ nam của thế hệ tiền chiến, đó đây, trong mỗi dòng viết, dù thật buồn, ông vẫn mang lại cho người đọc phong vị ngọt ngào của tiếng Việt được dạy dỗ bằng người Mẹ Việt Nam suốt đời hy sinh vì chồng vì con. Tập thơ Quê Ngoại với các bài nổi tiếng do chính ông viết lời tựa vỏn vẹn 3 chữ: Kính dâng Mẹ, có lẽ là món quà báo hiếu thiêng liêng nhất của tài thơ bạc hạnh đó.
Cô gái Việt Nam ơi,
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
    Chuyện của danh thủ Oh và nhà thơ Hồ Dzếnh trong số báo tháng này không nhằm mục đích so sánh. Đó là hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt. Oh đã thành danh và khắc một chữ vàng to đậm trong lịch sử bóng chày thế giới. Trong khi đó, Hồ Dzếnh thì đã qua đời trong nghèo hèn ở một xưởng máy lủi thủi tại Gia Lâm Hà Nội không xứng đáng với tài hoa. Điểm chung có chăng chỉ là cả hai cùng được nuôi dưỡng bằng bàn tay mẹ hiền trên đất nước tha hương của cha mình và cả hai đều rất mực có hiếu. Kính chúc bạn đọc mùa Vu Lan tràn đầy từ ân.
Cảm Xúc
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi,
Tôi biết tình cô u uất lắm,
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa,
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha,
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già.

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi,
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.

Tôi đến đây tìm lại bóng cô,
Trở về đường cũ, hái mơ xưa,
Rau sam vẫn mọc chân rào trước,
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ.

Dãi lúa cô trồng nay đã tươi,
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa,
Trong một làng con, đã héo rồi!

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

Mái lều tranh
Mẹ tôi sống lặng trong làng nhỏ,
Đâu biết thời gian đổi mới rồi;
Lòng vẫn đau buồn thiên vạn cổ,
Nào hay Non nước đã reo vui.

Bồ hôi cứ thấm từng thân áo,
Lưng mãi còng trên lớp bụi đời ;
Mẹ vẫn điềm nhiên trong dáng lão,
Vun trồng mấy luống bắp, khoai tươi.

Ngoài kia Niên thiếu ca Xuân mới,
Trong lũy tre xanh, đời vẫn buồn.
Ai biết để lòng yêu một buổi,
Bay về thăm viếng mái cô thôn?

Bao giờ cho sáng lều tranh nhỏ,
Mẹ Việt-nam mừng nước Việt Nam?
Hay vẫn đau buồn thiên vạn cổ,
Những người không biết ánh vinh quang?

HỒ DZẾNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét