LTS: Trong mùa hoa nở vừa rồi, đang trên đường đi dạo chợt nhìn thấy những con mèo hoang ốm yếu lạnh lẽo, bơ bất và thỉnh thoảng lại gào lên trông rất thảm thiết dưới một tàng cây anh đào. Định buột miệng nói: “tội nghiệp quá”, thì lại chợt nghĩ :“Nếu không làm được gì cho mèo thì có nên nói tội nghiệp hay không?”.
Thế là cuộc giằng co nhỏ lại xảy ra trong đầu: tình cảm là gì và làm thế nào là thể hiện tình cảm. Giằng co đó chính là nguyên nhân xin được chia sẻ cùng độc giả trên trang báo này.
Ở trong nước hiện nay có một câu nói được rất nhiều người lấy làm tâm đắc: một trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Chẳng cần giải thích thì chúng ta hiểu ngay rằng “cái lý” ấy chính là lý trí, sự phán đoán và suy xét vấn đề một cách bình tĩnh, dựa trên các cơ sở giá trị mang tính khách quan. Còn tình, tức tình cảm thì phức tạp hơn, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa rằng: Tình cảm là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành tình cảm là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách.
Tại sao lại không bằng một tí cái tình? Vì dân tộc Việt Nam mình giàu tình cảm, trọng tình cảm cho nên cái lý đã bị xem nhẹ, chẳng đáng kể gì so với các mối dây tình cảm khác hay chăng. Điều quan trọng ở đây là sự hiểu biết và hành xử tình cảm. Không ai không đồng ý rằng : không có tình cảm, nhân cách con người không thể hình thành, một cuộc sống giàu tình cảm sẽ làm cho tâm hồn phong phú, rộng lượng với tha nhân và quan trọng hơn cả là sẽ làm chúng ta tự cân bằng trước các thước đo sắc cạnh của lý trí. Người sống không có tình cảm gần giống như người máy, thậm chí chỉ là một cổ máy thuần túy hoạt động bằng các giá trị mặc định. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là sự lạm dụng tình cảm để rồi xem thường giá trị của phán xét lý trí, của công bằng và khoa học. Tình cảm chỉ có thể phát huy được giá trị chân xác của nó bên cạnh lý trí. Người xưa thật sáng khi khuyên bảo chúng ta rằng phải: hợp lý hợp tình. Quan hệ giữa người với người là một quan hệ vô cùng phức tạp và có thể nói là bị chi phối phần nhiều do tình cảm, tức là trạng thái tinh thần mang tính chất cảm tính của chúng ta khi nghĩ về một người nào đó. Trạng thái tinh thần này nếu không có sự can thiệp của các thước đo cân đối mang tính khách quan từ lý trí sẽ khiến chúng ta rơi ngay vào bẫy phán xét chủ quan, thiên vị. Nói thì đơn giản, nhưng thực hiện quả không phải là chuyện dễ. Trong cuộc sống đời thường biết bao là chuyện, từ những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, chúng ta há chẳng đang bị chi phối rất nhiều bởi lưới dây tình cảm này hay sao. Chuyện dạy bảo con cái như thế nào khi đang nóng giận, chuyện thương ghét người này người kia, chuyện hợp tính hoặc khác ý nhau trong khi làm việc hoặc chơi đùa giải trí, chuyện ghen tương cải vã...tất cả phần lớn đều có sự tham gia của tình cảm từ não bộ chúng ta. Không có tình cảm, chúng ta không có cá tính. Nếu không còn cá tính, thì ý nghĩa tồn tại của con người có còn đầy đủ hay không? Tóm lại, tình cảm là yếu tố không thể thiếu của một con người, một bộ phận không thể tách rời của nhân cách. Nếu biết hành xử tình cảm đúng lúc đúng cách và đúng lượng, sẽ giúp chúng ta tự cân đối đời sống tinh thần và mang lại tác dụng đòn bẫy giúp cho cuộc sống thăng hoa thi vị.
Tình cảm vì vậy rất quan trọng và không thể thiếu được đối với từng cá nhân con người là thế. Tuy nhiên một trăm cái lý không bằng một tí cái tình như đã nêu trên ở trong xã hội nước ta hiện nay là một chuyện hoàn toàn khác. Không giải quyết được bằng lý lẽ minh bạch thì đã có cửa sau: tình cảm mà. Không thể phê bình thẳng thắn trong khi họp bàn cũng vì sợ đổ vỡ cái tình, cho nên sau đó thì mạnh ai nấy làm. Người nước ngoài rất tốn nhiều thời gian bàn luận, thậm chí đôi khi còn cãi vã trước khi đạt được ý kiến và hành động thống nhất. Nước ta thì nhất trí răm rắp trong khi họp, nhưng đến lúc triển khai thì “đầu Ngô mình Sở”, loạn xà ngầu. Cũng cần nói thêm rằng, mọi chuyện tham ô hối lộ hiện nay có lẽ đều bắt đầu bằng lối suy nghĩ: “giải quyết vấn đề theo hướng tình cảm”. Tình trạng này đã dẫn đến việc hình thành một nền văn hóa mang tính hủy hoại và làm ung thối xã hội: văn hóa phong bì hay còn gọi là văn hóa bôi trơn. Lớn ăn đường lớn, nhỏ ăn theo đường nhỏ, trong khi trên đầu môi ai cũng đều phải nói yêu nước thương dân, khẩu hiệu xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh thì dán khắp mọi nơi. Xã hội phương Tây phát triển hơn Á Đông có lẽ chính là nhờ ở lối hành xử ít có sự can thiệp của loại tình cảm biến chất này. Nhật Bản, một quốc gia Á Châu nhưng đã du nhập tư tưởng hành động Tây phương để canh tân đất nước vào 150 năm trước, từ đó mà tạo nên một thần kỳ Nhật bản kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, có thể được xem là một bằng chứng khác cho lối hành xử tình cảm vừa phải, hợp lý. Tên quốc gia của Nhật bản chẳng hề có những giòng chữ đệm giải thích lòng vòng như là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa....Độc lập tự do hạnh phúc, hoặc là Cộng hòa dân chủ nhân dân .v.v...Nhật bản chỉ là Nhật bản. Sau những sai lầm trong thế chiến, ít người Nhật nào to miệng hô hoán xiển dương lòng yêu nước. Nhưng người Nhật đã xây dựng đất nước như thế nào thì ai cũng rõ. Đường phố Nhật Bản không hề có những băng roll theo kiểu “hoan hô muôn năm đời đời”. Đó là những con đường dù thật đông đúc vẫn cố gắng tạo sự im lặng tránh làm phiền và gây ô nhiễm. Là những con đường với các nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp, có từng phiến gạch chữ nổi dẫn đường cho người khiếm thị, và tại từng góc phố các bà mẹ nội trợ đã quét rác chung quanh nhà mình đem đi đổ vào mỗi sáng trong khi tại những nước khác thường thì chỉ quét rác ra đường, ra khỏi nhà mình mà thôi. Không ai bắt buộc, không cần ban hành luật lệ để kiểm soát hoặc khống chế, nhưng tính tự giác cao độ này chỉ có thể được giáo dục và bồi dưỡng bằng sự hiểu biết đúng đắn về tình người, về tình cảm giữa người với người! Viết đến đây chúng tôi chợt liên tưởng đến Matsushita Konosuke, nhà sáng lập công ty điện tử toàn cầu Panasonic với triết lý kinh doanh độc đáo khi tuyên bố rằng: bán ra một món hàng tựa như cho con gái đi làm dâu. Tình cảm của ông nằm trong sản phẩm. Và cho dù cả đời không khi nào người ta nghe ông phát biểu lên gân yêu nước thương nòi, thế nhưng, di sản mà ông để lại trong đó có học viện chính trị Matsushita Seikeijuku, lò đào tạo các chính khách tài ba trẻ tuổi Nhật Bản đã thay ông nói lên các hoài bão cũng như tình cảm với đất nước của mình.
Nakamura Kenya, cha đẻ dòng xe Crown của công ty TOYOTA là một bằng chứng khác. Ông vẫn luôn nói với bà Mizuko, vợ mình rằng: "Phải có năng lực thì mới có thể tử tế được với người khác. Nếu chỉ hứa suông, để muốn tỏ ra rằng mình là người tử tế rồi bỏ mặc sau đó thì tuyệt đối đừng nên tử tế nửa vời như thế." Điều này không những thể hiện đức tính chu đáo, đến nơi đến chốn của người Nhật mà còn cho thấy quan niệm bày tỏ tình cảm của họ. Trở lại với câu chuyện những con mèo hoang ở trên. Truớc khi buột miệng nói để thể hiện sự thương hại, thường thì người Nhật sẽ tìm cách đem đến một miếng cơm mẩu cá rồi mới chia sẻ bằng lời.
Wikipedia định nghĩa tiếp: Tình cảm có nhiều loại: tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm trí tuệ... Một đặc trưng của tình cảm là có tính đối cực: yêu và ghét, ưa thích và không ưa thích, xúc động và dửng dưng...Phần định nghĩa trừu tượng này có thể được minh họa bằng thái độ trước lịch sử của mỗi dân tộc. Cho dù chiến tranh tao loạn xảy ra thường xuyên, nhưng phải nói là cách viết sử của Nhật Bản tương đối khách quan trước các sự kiện và thăng trầm. Mọi nhân vật lịch sử đều được viết lại dựa theo dữ liệu có thể đối chứng ở mức độ khả tín nhất, tránh sự phê phán giáo điều, chủ quan. Sách sử chỉ đưa ra hành động và sự kiện lịch sử, còn việc cảm nhận lịch sử thuộc về người học sử, giáo viên chỉ đóng vai trò cung cấp các thông tin liên quan hoặc nắm giữ vai trò điều phối các buổi trao đổi tìm hiểu của học sinh. Cách học sử này khác xa với kiểu học suy tôn lãnh tụ hoặc thể hiện căm thù giai cấp tại nước ta là khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo: tình cảm mà. Nguy hiểm hơn, chính lối giáo dục lịch sử phản tuyên truyền này đã dẫn đến hành động nhồi sọ mà theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Tuyên truyền và nhồi sọ sử dụng các phương tiện giống nhau, từ truyền thông đến giáo dục. Nhưng trong khi tuyên truyền nhắm đến sự khai sáng và thuyết phục, nhồi sọ chỉ nhắm đến việc là mê muội và thần phục – thần phục một cách mê muội. Tuyên truyền có thể đi đôi với lý trí phê phán (critical reason), trong khi nhồi sọ thì triệt tiêu hẳn loại lý trí ấy, và chỉ cho phép loại lý trí công cụ (instrumental reason) được phát triển mà thôi.
Cho dù lãnh đạo cố tình áp đặt, nhưng đất nước chúng ta đang hết sức vùng vẫy thoát khỏi ảnh hưởng của giáo dục nhồi sọ này. Từ trẻ em tiểu học cho đến bà cụ bán rau ngoài đường ai nấy đều lắc đầu, bĩu môi ngao ngán khi bị nhắc đến những khẩu hiệu hoặc cụm từ mang tính nhồi sọ sáo rỗng. Đây là một biểu hiện tốt, tuy nhiên sự bứt phá này nếu quá chậm trễ, rất có thể tinh thần dân ta lại rơi vào một hệ quả trầm kha hơn của quá trình bị nhồi sọ từ trước đến nay: nguời không còn tin người. Đây là hệ quả tất yếu của sự kiệt quệ về năng lực phán đoán khách quan sau nhiều năm bị nhồi sọ. Hiện tượng đổ xô mua bùa mua ngãi và cầu xin mê tín hiện nay cũng là dấu hiệu cho thấy niềm tự tin vào cuộc sống bị xuống thấp trầm trọng. Một đất nước không thể phát triển nếu người không tin vào người, nói chi tới chuyện bền vững. Không tin nhau thì không thể hợp tác nhau lâu dài, cho nên mọi chuyện đều phải ăn xổi, phải tiền tươi thóc thật thì mới tin nhau. Nếu có chuyện khó giải quyết thì đã có ngay “liệu pháp tình cảm” bằng phong bì bôi trơn!
Theo thiển ý người viết, không hề có thần kỳ Nhật Bản. Nhiều và rất nhiều chuyên gia Việt Nam được cử sang Nhật bản để nghiên cứu về sự thần kỳ này hầu về giúp đất nước. Họ đã học cũng như tham quan tận mắt mọi công nghệ tiên tiến đứng đầu thế giới, tuy nhiên khả năng áp dụng vào điều kiện Việt Nam thì quả là còn quá xa vời. Thần kỳ Nhật Bản không phải bắt đầu bằng sức mạnh hôm nay. Làm thế nào để hiểu được tại sao người Nhật từ xa xưa đã không vứt rác ra đường, biết tin nhau, giữ tròn chữ tín... có lẽ là những tri thức cần phải học hỏi để áp dụng ngay hơn là chỉ truy tìm các công nghệ xa xôi, vượt quá tầm tay. Ngay sau thế chiến thứ 2 tỷ lệ biết chữ biết viết của Nhật đã trên 90%, đây chính là tài sản quí báu duy nhất còn sót lại giữa hoang tàn đổ nát và đã trở thành nguồn động lực chủ yếu đẩy nước này vào quỹ đạo phục hưng một cách nhanh chóng. Trong cảnh đói nghèo hậu chiến khi mà rất nhiều người đàn ông phải bán máu nuôi thân, nuôi gia đình thì con cái của họ đã có thể theo học tại các trường bán trú trên toàn quốc mà theo chính sách là phải bảo đảm giáo dục toàn diện và có được bữa ăn đủ chất dinh dưỡng. Phát triển của Nhật bản không phải là chuyện thần kỳ. Đó chỉ là kết quả của một chính sách và những con người biết sống tình cảm với nhau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét