Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

LTS: Những bóng đen nhỏ bé vụt chạy đến bám sát vào chiếc xe khách đang đỗ lại trên đường ra sân bay Nội Bài. Gió mùa đã về, thổi se sắt luồn lạnh qua tấm áo vá vai của những em nhỏ đang đội đầu các thúng khoai bắp luộc và cố tranh nhau để bán cho đám hành khách đang mơ màng ngái ngủ. T
rong đám đông chen chúc ấy, có thể nghe thấy tiếng rao của một em gái độ chừng 10 tuổi: khoai “lóng” ngon ăn “lo” chắc bụng đây. Giờ này trung tâm Hà Nội vẫn đang chìm trong sương sớm và trong những rừng cờ rồng của lễ hội nghìn năm Thăng Long. Biết bao tiền của đã bỏ ra, để tô điểm bộ mặt thủ đô thêm phần hào nhoáng, trong đó không ít những kế hoạch không tưởng và mang đầy tính trình diễn tốn kém như bắn gió xua mây, hoặc đại hội pháo hoa đồng loạt. Và cách đó không xa, chưa đầy 20km, rất nhiều những đứa trẻ đã phải thức dậy từ sớm tinh mơ để bán từng củ “khoai nóng ngon ăn no chắc bụng đây”!
    Năm 2010 cũng là năm Nhật Bản tổ chức kỷ niệm 1300 năm xây dựng cố đô Nara. Khác với Hà Nội rình rang sặc sở, hội trường chính thu hút du khách của Nara vỏn vẹn chỉ là cổng thành Suzaku, điện Taikyoku được phục chế và một màn ảnh kỹ thuật số giải thích sự hình thành của cố đô. Ngân sách mà cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới này dành cho việc tổ chức không bằng một phần nhỏ của lễ hội Thăng Long, tuy vậy vẫn hấp dẫn đông đảo khách tham quan không phải bằng vẻ hoành tráng bề ngoài mà chính là ý nghĩa sâu thẳm trong bề dày lịch sử, trong cách thế trình bày khiêm cung mà vẫn chứa đầy hàm lượng tri thức. Khách đến Nara, trầm ngâm đứng trên cánh đồng di tích, chiêm nghiệm lại cuộc lữ thứ sang Tàu tầm sư học đạo, xây dựng đất nước của tiền nhân từ đó mà xác định bản sắc của dân tộc. Tuy cùng một ý nghĩa tổ chức, thế nhưng đến Nara mùa này là để suy tưởng im lặng khác với các loại loa kèn vang vang, cờ xí rợp trời đến chóng mặt của Hà Nội. Vẻ hào nhoáng tốn phí không nên được hiểu là tăng phần trọng thể, mà phải chăng chính là để che đậy những góc phần tồi tệ tối tăm trong đó có tiếng rao hàng yếu ớt giữa sương sớm của những bé gái tuổi mới lên mười: Khoai nóng ngon ăn no chắc bụng đây. Vẫn còn rất nhiều và rất nhiều những trẻ em Việt Nam cần có những củ khoai chắc bụng để đến trường và có thể cả đời họa hoằn mới có một tép mỡ thơm ngon. Trong khi Hà Nội mùa này mặc sức mượt mà nhung gấm!
Kẻ thù hung hiểm nhất của dân chủ chính là sự bưng bít sự thật. Trong ý nghĩa đó, đại lễ Thăng Long vừa qua dường như cũng để che đậy một bộ mặt khác của Hà Nội. Bộ mặt đó là gì? Xin mời bạn đọc cùng nhìn vào nhiều ngõ ngách khác nhau của bằng những dòng thơ tựa như những nhát cắt tươi rói sau đây của Nguyễn Đình Chính.
Từ mồm em... hà nội
hôm nay em lao ra đường
trên đầu một... nồi cơm điện
bịt mồm xanh đỏ khẩu trang
mắt kính đen
khe mông trắng
quần bò
hon-đa em

cô gái hà nội
thế kỉ 21
nin-za bí hiểm.

ai đó (có mi zê)
hàng ngày cứ phải quen
hít vào ngực hàng tấn bụi
ăn những cọng rau xanh rờn hoá chất
nhai những tảng thịt khả nghi
và xơi câu địt mẹ mày trên chuyến bus công cộng
từ mồm em
hà nội

kinh hoàng

Tôi cũng là người vô gia cư

Tôi cũng là người vô gia cư như bà,
thưa bà tiến sĩ, mặc dù tôi cũng có công việc làm
đàng hoàng như bà, thưa bà tiến sĩ

Tôi là người vô gia cư mặc dù hàng ngày
tôi vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn hít thở không khí bụi bặm
và vẫn làm tình nhăn nhở trong một
ngôi nhà 4 buồng giá hàng trăm ngàn đô la.

Bao nhiêu năm nay rồi tôi là người vô gia cư
trên tổ quốc của tôi khi tôi viết những bài thơ
kể về nỗi buồn bi thảm của dân tộc tôi
nỗi buồn đã bị mấy kẻ ác tâm tàng hình
nghiền thành bột đổ xuống cống rãnh hôi thối.

Tôi là người vô gia cư trên tổ quốc của tôi
mỗi khi tôi hát lên bài ca thương cảm
giống như bát cháo hoa vẩy lên trời bố thí
cho hàng triệu oan hồn lang thang đói khát
bị chết oan không hiểu vì sao mình lại chết
trong cuộc chiến tranh chỉ mang lại quyền lực
và tiền bạc cho một dúm kẻ kẻ ác tâm tàng hình

Buổi chiều hôm nay gió lạnh đổ về
tôi nhìn thấy bà đang co ro ngồi trên ghế đá
lạnh buốt ngoài công viên, thưa bà tiến sĩ
còn tôi thì đang ngồi thu mình trong căn buồng
ấm áp .Vậy mà tôi cũng đang lâm vào
cảnh khốn nạn như bà, thưa bà tiến sĩ.

Bà bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng
tiền bạc gom góp suốt đời của bà
Còn tôi thì bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng niềm tin
mà tôi cũng đã dành dụm suốt cả đời tôi

Bài ca tình yêu

Bao năm nay anh vẫn mải đi tìm
đình đám hội hè đông vui náo nhiệt
những buổi tiếp tân sang trọng
(nhưng rỗng tuếch)
những địa chỉ kinh hoàng
vết chân người đến người đi
bạc tiền vung vãi
lặng lẽ đêm hè tu viện trang nghiêm
nơi nghe rõ cả tiếng ngọn gió đang thở
lơ đãng
vô hồn

em trốn ở đâu
ở đâu

chiều buồn như một lời xin lỗi
quán bia nhễ nhại bên đường.
anh ngồi hoá đá
nắng tháng mười hớt hải đi qua

em đấy ư
mắt thâm quầng mất ngủ
bàn tay thô ráp
tình cờ
mùi nước hoa rẻ tiền

em đấy

bật nút chai bia thứ nhất
chào nhau
làm quen
cái miệng cười lạ lùng
như hoa nở

ai tìm ai yêu nhau
tuyệt vọng săn lùng trái tim dính đạn
thế giới nghèo hèn vẫn đòi ta phải sống.
phải sống
phải thở
phải ăn và
phải yêu

ai đi tìm ai yêu nhau
nước mắt cô đơn mồ hôi cô đơn
máu rỏ cô đơn
trong ly bia sủi bọt

bật nút chai bia thứ hai
chia thật đều niềm vui ướt
về hai ngả
niềm vui gì
không biết
(hay không thèm biết)
chia thật đều nỗi đau ướt
về hai ngả
nỗi đau gì
không biết
(hay không thèm biết)

tâm hồn đói khát săn lùng
ảo giác tình yêu vô vọng
hoang đường và
ngu xuẩn

bật nút chai bia thứ ba
em đây
anh đây
nụ hôn không hề do dự
trút bỏ xiêm y giả mạo
ta ngả vào nhau
giản dị mơ màng
yêu

yêu
em đây
anh đây
vườn địa đàng có thật

Nguyễn Đình Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét