Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Tháng Sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em… câu hát nhẹ êm của Ngô thụy Miên lại về trong trí nhớ, khi ngày qua ngày những đám mây trũng nước đang vần vũ trên những vùng áp thấp khắp dải trời từ lưu vực sông Dương Tử đến tận miền Nam quần đảo Nhật bản. Mùa mưa dầm, tiếng Nhật còn gọi là Baiu (Mai vũ) mang 2 nghĩa: mưa làm chín trái mơ và cũng làm meo mốc mọi thứ bởi thời tiết ẩm thấp liên tục.
Dưới mưa, đó đây, cẩm tú cầu Ajisai, còn gọi là hoa đĩa với 4 cánh nhỏ xíu, nở thành cụm tròn xòe rực rỡ, tùy theo kiềm tính của thổ nhưỡng để có màu từ xanh chuyển sang đỏ tím.
    Có một loài thực vật khác, cũng trong thời tiết đầu Hè này kín đáo đơm hoa, và chỉ dịu dàng tỏa hương trong mỗi cơn gió nhẹ. Cánh hoa trắng, nhụy ửng vàng hườm, nở trên ngọn cao của một loài cây thường xanh, được đem trồng tại Nhật vào trước thế kỷ thứ 6 từ Trung Quốc. Thân gỗ rắn chắc phòng chống sâu mọt của nó đã đóng góp rất lớn vào công nghiệp kiến trúc, cũng như các tác phẩm điêu khắc Phật giáo. Nhựa cây là nguyên liệu hóa học chủ yếu của rất nhiều thế kỷ trước khi được thay thế bởi plastic tổng hợp. Phải đứng dưới cây một hồi lâu, sau khi nhận ra mùi hoa ngòn ngọt ta mới biết được sự có mặt của hoa long não.
    Mỗi loài hoa là mỗi sắc thái riêng tây và đều hàm chứa khả năng cảm hóa cao độ, vượt qua những khác biệt về màu da, chính kiến hoặc tôn giáo. Mới đây thôi, phu nhân đại sứ của 2 nước thù nghịch truyền kiếp Palestine và Israel đã nắm tay nhau để cùng sáng tác và thưởng lãm tác phẩm ikebana theo chủ đề “hòa bình” của hội hoa xuân được tổ chức trong khuôn viên sứ quán Á căn Đình. Hoa biết nói là vì vậy.
    Tokyo là một thành phố lớn và hấp dẫn của thế giới với nhiều quần thể đô thị chi chít tập trung trên diện tích chưa đầy 1/170 lãnh thổ nhưng lại có dân số chiếm hơn 10% cả nước. Phân tích của nhà nghiên cứu xã hội tiêu dùng Miura Atsushi cho biết rằng nét quyến rũ của Tokyo không phải ở vóc dáng công nghiệp hoặc vai trò trung tâm kinh tế chính trị, mà chính là sự có mặt đông đảo của các cửa hàng hoa trên mọi góc phố đã tô điểm và tăng màu tươi thắm của thủ đô vốn có ấn tượng là chen chúc và sôi động này. Sau khi cho rằng các loài hoa chính là những nghệ sĩ mang lại cảm thức sống động về thời tiết và thiên nhiên để loài người chúng ta càng yêu mến và gắn bó hơn với nơi mình đang sống, Miura kết luận là số lượng cửa hàng hoa tỷ lệ nghịch với các hành vi tội phạm của một khu phố.
    Trong thế giới thời trang năm nay, các tiết họa về nhiều loài hoa cũng đã phủ đầy trên mọi đường cong gợi cảm của những người mẫu siêu sao. Nhà bỉnh bút Gene Krell trong số mới nhất của tạp chí thông tin thời trang Vogue cho rằng trào lưu thời trang này bắt nguồn từ thế hệ *flower children* vào cuối thập niên 1960 khi mà chiến tranh Việt Nam đang hồi khốc liệt. Bốn mươi năm trước đây, trăm nghìn người trẻ đã xuống đường đeo hoa trên mình và miệng luôn gào thét hòa bình giữa lòng phố San Francisco êm ấm. Hoa được mang đến mọi nhà, hoa tặng mọi người, và tuổi trẻ thì say sưa ca hát, đòi làm tình thay vì làm chiến tranh. Trong khi ấy, nơi địa đầu tuyến lửa, cha anh của họ đang vật lộn với từng bước tử thần để bảo vệ từng tấc đất tự do, bảo vệ sự xâm lăng của một chủ nghĩa bạo tàn rốt cuộc đã phải sụp đổ vào 20 năm sau đó. Tội nghiệp thay, cho đến bây giờ mà Krell vẫn chưa chịu biết rằng các cành hoa bứt hái hằng loạt đó chỉ để thể hiện tâm lý làm dáng nổi loạn trong một xã hội vật chất sung túc, no cơm ấm cật; và các mảnh vải gắn hoa quấn quanh cô đào mẫu Penelope Tree theo kiểu dáng của nhà thiết kế Mary Quant thời bấy giờ đã góp phần dấy động một phong trào hippy với biết bao hệ quả tiêu cực và hậu hoạn cho xã hội. Xin chắc một điều là những tiết họa hoa năm nay không hề mang dấu vết phản chiến mà Krell đã thêu dệt vớ vẩn. Môi trường, hạch tâm, cộng sinh, toàn cầu có thể là những ý niệm chính để làm nên những kiểu dáng thời trang này chăng? Câu trả lời cho một phạm trù vốn dung nạp nhiều ý tưởng phá cách này cần nhiều cẩn thận.
800 năm trước đây khi nhìn ánh trăng lung linh trong những giọt sương còn đọng giữa 4 cánh của mỗi nụ cẩm tú cầu vào đêm trăng tháng 6, bằng mẫn cảm thiên phú, thi hào Toshinari đã chợt nặng ưu tư về sự nhỏ bé và ngắn ngủi của giòng đời .

Natsu mo nao kokoro wa tsukinu ajisai no yohira no tsuyu ni tsuki mo sumikeri
giọt sương trăng đọng tú cầu
đầu hè như đã nao nao cuộc tàn

Nếu mỗi cành hoa tự thân là một nghệ sĩ trao tặng cuộc đời này những xúc động tinh khôi, thì chính những người thưởng nhận nên có được ý thức thẩm mỹ xứng đáng để không vướng mắc vào những tạp niệm thời thượng, nông nỗi.
Bài thơ ngắn giới thiệu đến bạn đọc sau đây, không nói về một loài hoa riêng rẽ nào. Chỉ bình thường là một bó hoa tặng đến những người muốn tặng. Có điều, sức cảm hóa toát ra từ khẩu khí của nhà thơ đang còn trong tuổi học trò này làm chúng ta choáng ngợp bởi những thang bậc của ý chí đi từ tình cảm gia đình thân yêu để sau đó biến thành sức mạnh thuần phục kẻ thù.
Kính thưa bạn đọc, như đã trình bày, phải đứng một hồi lâu dưới thân cây cao vọi, chờ cơn gió đến, ta mới nhận biết ra hương thơm nhẹ nhàng của hoa long não trên cao. Nếu cuộc đời này vẫn còn đáng yêu vì những tỏa hương kín đáo đó, thì bó hoa nhỏ, ít ai biết đến, của cô nữ sinh trung học Lan Anh gửi tặng luật sư Lê thị Công Nhân có lẽ đầy ý nghĩa và cao quí hơn rất nhiều so với rừng hoa ngập ngụa trong men say thác loạn bầy đàn của 40 năm trước.

“ Năm ngoái mồng 8 tháng 3
Ra đường em mua mấy bó hoa
Tặng bà, tặng mẹ, tặng cô giáo
Người tạo cho em cuộc sống này.

Hôm nay mồng 8 tháng 3
Cắn chặt hàm răng em lựa thêm một nụ hoa
Tặng chị thêm ấm lòng trong gông cùm lạnh lẽo
Hỡi người đã vì chúng em mà chẳng tiếc thân

Để cho
Sang năm, mồng 8 tháng 3
Em lại được ra vườn thỏa thích hái những nhành hoa
Tặng mọi người thân yêu và cho cả kẻ đang hành hạ chị
Bắt chúng phải ngước đầu thuần phục trước tự do ”

Lan Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét