Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Tháng 03-2012

LTS: Sau đây là bài viết của một người trẻ, rất còn trẻ, và đang ngày đêm trực diện với những đau khổ bất cập của một hệ thống cai trị dã man lạc hậu. Những dòng viết đầy ưu tư này sẽ khiến chúng ta khó ngờ trước sự chững chạc sâu sắc hiếm thấy ở lứa tuổi đó. "Văn tức người", biết bao xót xa trong từng câu chữ như chỉ để làm sáng lên phẩm cách của một tâm hồn biết cảm nhận nỗi đau của tha nhân để dấn thân lên tiếng và gánh chịu trách nhiệm.
 Thưa bạn đọc, đây là số báo được phát đi vào tháng 3. Những cây hoa anh đào đang đứng lặng bên đường, âm thầm đơm nhựa chờ ngày ra hoa khi nắng ấm tràn về. Chợt nhớ đến câu thơ Haiku nổi tiếng của thi hào Buson:

ono irete
ka ni odoroku ya
fuyukodachi
(tạm dịch)
Nhát rìu xé dọc thân cây.
Giật mình, nhựa đẫm hương đầy trời Đông.
Khi bổ rìu, nhà thơ sững sờ trước sức sống ngạt ngào bên trong một cành cây tưởng như đang khô chết trong giá lạnh đó. Đất nước đang vào mùa Đông bởi trấn áp, trù dập, nhưng những vận động ngấm ngầm của con người Việt Nam bộc phát qua tiếng súng Đoàn văn Vươn, qua tiếng thét dân oan, qua tiếng hô biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, qua những bài viết đâm thẳng vào chế độ, qua từng chữ ký kháng nghị, qua nhiều và rất nhiều những dấu hiệu hừng hực khác cho phép chúng ta dự báo về mùa Xuân quật khởi rồi phải đến. Cây anh đào Nhật bản cần phải chịu đủ độ lạnh mới đơm hoa, mùa Đông càng lạnh hoa càng đầy. Giống và rất giống với cái giá khổ đau mà biết bao đồng bào thân yêu của chúng ta đang phải trả để giành lại dân chủ, nhân quyền.
Nếu trơ như đá thì đâu khổ ?
Còn chút lương tâm mới khó nguôi...
                        (blogger Mẹ Nấm)
Tâm sự đầu năm

Những khoảng tĩnh lặng ngắn ngủi luôn thực sự cần thiết để mỗi người tự làm mới bản thân, nó quan trọng hơn chúng ta nghĩ trong cuộc sống nhiều áp lực này. Nếu không có chúng có lẽ chúng ta chẳng có đủ năng lực tinh thần và sức khỏe để tiếp tục hành trình cam go của mình. Đó là điều mà bản thân tôi đã trải nghiệm.
Khoảng thời gian này tôi không viết, không tham gia hội luận, ít Facebook- những hoạt động khá lý thú nhưng cũng tiêu hao rất nhiều tâm lực. Là một người trầm tĩnh (tôi xin tự nhận định mình như vậy, và ao ước được như vậy), không thích nói nhiều, tôi thích được yên tĩnh một mình để đọc và suy ngẫm. Tránh xa những tranh cãi và sự rầm rộ của truyền thông, tôi hy vọng mình có nhiều thời gian để suy nghĩ về chính mình. Lắm lúc tôi nghĩ rằng, những gì mọi người nói về mình chưa phải là giá trị thực của mình. Một người tự tin và điềm đạm phải là người biết nhận chân chính mình.
Nhưng hôm nay, trong cái không khí đầu xuân tươi vui của đất trời, tự nhiên lại thích viết vài dòng tâm sự với mọi người. Quả thực, viết nghị luận là việc yêu thích nhất của tôi, nó là thứ đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều về chính mình, về mọi người, về cuộc đấu tranh…Cũng chính vì việc viết lách này, tôi đã phải trực diện đối mặt với những kẻ nắm trong tay bạo lực Nhà nước.
Nhưng phần nhiều những sự căng thẳng của tôi không đến từ chính quyền. Đối với những đàn áp và khủng bố của bạo quyền có thể nói tôi được chuẩn bị tinh thần từ hai mươi năm trước-từ cái lúc họ bắt bỏ tù ba tôi mười năm, chưa kể đến những sách nhiễu khác trong hai mươi năm nay mà tôi không tiện kể ra đây. Đây là những dòng tôi viết cho những người muốn cản trở niềm yêu thích bé nhỏ của tôi, cái hoài bão con con của tôi (là được sống như một người có ích và được tự do), cản trở cái việc mà tôi nghĩ là mình am hiểu hơn những việc khác, và cũng là việc giúp tôi nhận thức các giá trị của xã hội cũng như nhân phẩm của bản thân. Nếu có ai đó nghĩ rằng việc khuyến dụ, hù dọa, làm phiền có thể làm tôi mất tinh thần và từ bỏ việc tôi đang làm thì họ đã nhầm. Làm sao một người có thể từ bỏ cái công việc định hình cuộc sống của cô ta? Làm sao những hành động sách nhiễu có thể ngăn một người được sống như cô ta vốn có? Quý vị quá dư dả thời gian và tiền bạc để làm những công việc vô bổ, mà chính chúng phủ nhận hoàn toàn nhân cách của quý vị.
Đối diện với thế giới hôm nay- nơi mà internet mở tung mọi cánh cửa bí mật và nhạy cảm, nơi mà ngay cả những con người từ lâu đã bị cho là mang một văn hóa xung đột với tự do (Hồi giáo) cũng không thể cam chịu các kẻ độc tài như quý vị, nơi mà những chuyển biến chiến lược không nằm trong tay những chính quyền bất hảo như quý vị mà ngược lại chính quý vị cũng chỉ là những kẻ bị thời thế xô đẩy trên bàn cờ thế giới, quý vị lo sợ ư? Quý vị lo sợ là hợp lý. Nhưng tôi nghĩ rằng càng lo sợ quý vị càng phải hành động cẩn thận và chính xác, đừng để nỗi lo sợ bị lật đổ khiến quý vị hành động như những đứa trẻ không được dạy dỗ. Tôi vẫn luôn muốn nói với quý vị, nếu quý vị còn chút xét đoán tỉnh táo, rằng : những kẻ sai lầm nếu biết sớm sửa chữa sẽ được thứ tha. Đối diện trực tiếp với an ninh và chính quyền địa phương, tôi có thêm một trải nghiệm sống động về những người cộng sản cầm quyền. Quý vị là những người có tư cách và tài trí quá đỗi tầm thường, quý vị nói năng nhăng cuội và và thiếu hiểu biết như những tên lý trưởng phong kiến. Quý vị tự coi mình là cha mẹ dân. Thật không thể hiểu nổi!Vậy mà quý vị lại muốn tiếp tục ngồi ghế lãnh đạo, không những thế còn ngồi trên đầu trên cổ người dân? Than ôi, những kẻ “đại chí sơ tài” luôn gây ra thảm họa cho xã hội và đến một lúc nào đó sẽ gây ra thảm họa cho chính bản thân họ. Đây là những lời thực tâm từ một người mà tuổi trẻ, sức sống và những cảm nhận nhân văn hẳn nhiên làm cho cô ta nhìn nhận và phát biểu mọi điều một cách trong sáng và chân thật nhất có thể.
Năm nay sẽ là năm cả thế giới và Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thử thách khó giải quyết. Trong những ngày đầu năm này, bằng tất cả thiện chí,, tôi xin kính chúc quý vị có đủ dũng cảm để hành động như những con người có ý thức chứ không phải là những con thú chạy theo dục vọng. Xin thành tâm kính chúc quý vị có thêm trí tuệ và mãnh lực tinh tấn để : “phóng hạ đồ đao”, không phải để mang lại cái gì cho ai cả mà trước tiên là để quý vị nhận được sự thứ tha từ dân chúng.
Trong những ngày qua, điều làm tôi suy nghĩ nặng lòng nhất vẫn là những tấm lòng yêu thương, ngợi khen và kỳ vọng của những người yêu quý tôi. Hơn ai hết, tôi biết sức mình có hạn. Dù ý chí và nguyện ước được sống hữu ích nhưng thật sự tôi biết mình còn quá trẻ, ít kinh nghiệm và quá nhiều thiếu sót. Tôi luôn tự hỏi không biết rồi mình sẽ làm được cái gì tốt đẹp cho trú xứ quê hương này không? Đồng ý rằng, thanh niên là “quốc gia lương đống”, là những người phải gánh vác trách nhiệm với non song do tiền nhân để lại. Nhưng nếu không có những bậc cha anh dày dạn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ khó lòng có được thành công. Hơn nữa, những điều đáng để kỳ vọng là tài đức chứ không phải là sự sôi nổi, can đảm và tuổi trẻ. Tôi đang nói về nhiều trường hợp trong đó có tôi. Là một người trẻ, tất nhiên tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ có thể góp phần cho một sự thay đổi tốt đẹp của quốc gia. Nhưng có một điều tôi luôn lo lắng rằng rất có thể chính sự nhiệt thành, quá tự tin và quá ưa chuộng những giá trị không thực làm cho tuổi trẻ mắc sai lầm. Đôi khi sự ngợi khen và kỳ vọng của những bậc tiền bối làm cho những người trẻ ảo tưởng về tầm quan trọng của mình. Là những người đang đấu tranh cho một giá trị mới, chúng ta nên chú tâm vào những giá trị thực tiễn chứ không cổ vũ cho những phô trương bề nổi. Tôi vui vì mình được tin yêu nhưng tôi nặng lòng biết bao vì tôi nghĩ mình còn chưa xứng đáng.
Tôi không ít lần suy nghĩ về một Việt Nam tương lai, Việt Nam ngày đó phải được trao vào tay những người vừa có thực tâm, lẫn thực tài. Gánh vác một quốc gia đang là một con bệnh văn hóa, kinh tế, chính trị là việc không dễ dàng. Những người mang trọng trách này phải là những kẻ sáng mắt và giàu kinh nghiệm như hoa tiêu, từ ái như một vị lương y, cẩn thận và hiểu biết như một chuyên gia. Dẫn dắt một kẻ có bệnh luôn khó khăn và đòi hỏi nhiều phẩm chất tốt đẹp ở những người lãnh đạo. Những sự bất cẩn, nhiệt tình, phô trương bề ngoài của những người lãnh đạo không phải là những yếu tố tốt lành và đáng được kỳ vọng cho một Việt Nam vốn đã mang nhiều bất hạnh.
Làm người lãnh đạo chính trị một quốc gia không phải là làm ca sĩ, hay minh tinh màn bạc; và chính trị không phải là kỹ nghệ giải trí- nơi mà tính đại chúng luôn được tung hô. Xây dựng và phát triển quốc gia cần những người có thực tài và có chiều sâu hơn là danh tiếng bên ngoài. Thiết nghĩ ngày hôm nay chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về điều này.
Như tất cả chúng ta có thể thấy, trong lịch sử nhân loại cũng như trong các sự kiện thế giới gần đây, việc loại bỏ một nền độc tài luôn tương đối dễ dàng hơn và cần ít những phẩm chất tích cực của những người đấu tranh cũng như người dân sở tại hơn việc xây dựng một thể chế mới tốt đẹp. Một cách tương đối, có thể nói rằng nếu việc loại bỏ một thể chế phản động chỉ cần hội đủ những điều kiện dường như tiêu cực hơn như: suy thoái hay sụp đổ nền kinh tế, lòng dân phẫn uất cùng cực, tình hình thế giới biến động, chiến tranh…; thì việc xây dựng nền tự do luôn đòi hỏi ở chúng ta những điều kiện tích cực hơn nhiều: hiểu biết và niềm khao khát tự do, sự thắng thế của văn hóa dân chủ, sự lớn mạnh của các định chế dân sự…Nếu sự ra đi của một chế độ độc tài là một biến cố, thì việc xây dựng nền dân chủ là cả một quá trình liên tục và không có điểm dừng. Một sự nghiệp to lớn như thế cần ở chúng ta- những người đang đấu tranh sự nghiêm túc trong cả suy nghĩ và hành động. Không có tòa nhà to đẹp nào được xây dựng bởi những kẻ lười biếng học hỏi, chểnh mảng và thiếu chín chắn.
Tôi cho rằng một người đấu tranh cho dân chủ ít nhất phải biết dân chủ có điều kiện, mục đích và đặc trưng nào. Phải có hiểu biết nhất định về một vấn đề ta mới có thể nhiệt thành mà dấn thân vì nó. Không phải bất cứ ai phản kháng với chính quyền độc tài đều là những người có khả năng kiến lập nền dân chủ . Vậy muốn thành công trong công cuộc xây dựng dân chủ chúng ta phải là những người tôn trọng và đấu tranh cho cái mà tôi gọi là “những giá trị thật” chứ không phải là những giá trị được thổi phồng bởi số đông.
Đầu năm mới Nhâm Thìn, với những ưu tư chân thành nhất, tôi viết ra những dòng này. Tôi yêu đất nước tôi, tôi luôn mong muốn Việt Nam trong tương lai sẽ có được những người lãnh đạo có thực tâm để không làm tổn thương dân tộc thêm lần nào nữa, có thực tài để biết cần phải làm gì khi lèo lái con thuyền đất nước. Bất cứ ai thực tâm vì nền dân chủ tôi sẵn sàng ủng hộ và theo gót. Nhưng ngược lại, bất cứ người nào làm điều ngược lại, dù với chút sức lực bé nhỏ, tôi sẽ dùng cả đời mình để cổ vũ sự phản kháng. Một năm mới nữa đã đến, lại cầu nguyện cho tất cả chúng ta.
Tam Kỳ ngày 4 tháng 2 năm 2012
© Huỳnh Thục Vy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét