LTS: Nhà thơ Nguyễn chí Thiện qua đời vào đầu tháng 10/2012, 27 năm tù tội trong 73 năm cuộc đời, nghĩa là cứ trong 3 ngày sống trên dương thế vừa qua ông đã có 1 ngày bị giam cầm trong địa ngục trần gian. Tập thơ Hoa địa ngục mà ông cưu mang gửi gấm đến thế giới tự do vào đầu thập niên 80 làm chúng ta rùng mình kinh hãi trước địa ngục trần gian có thực, đã làm rõ ngời một Nguyễn chí Thiện vừa là nhân chứng sống đầy trọng lượng, mặt khác, chùm thơ khắc khoải của ông là vật chứng bất tử góp phần xét xử cáo chung chủ nghĩa Cộng Sản độc tài.
Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng của ông ngoài chỗ đứng trên văn đàn thế giới, trong tương lai thời hậu Cộng sản, sẽ giúp cháu con ta ghi tâm khắc cốt về một hiểm họa bất hạnh đầy đau thương và không thể nào tái diễn trong lịch sử dân tộc.
Nằm xuống nơi đất khách đìu hiu, khi chưa nghe được:
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng " Tiến quân ca"
Và Quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!
nhưng những tiên tri thiết tha viết từ thẳm sâu đau đớn của ông vào cuối thế kỷ trước giữa gông cùm báng súng đó vẫn cháy đỏ rạng ngời chân lý. Chúng ta biết ơn Nguyễn chí Thiện vì một đời khổ ải trong lao tù để bảo vệ tiếng nói lương tri, biết ơn những vần thơ mang nặng đẻ đau ông viết ra cho đời để cảnh báo hiểm họa, và hơn hết chúng ta biết ơn ông vì qua những dòng chữ đó giúp ta nhận diện bạo lực, xua tan sợ hãi khi phải đối đầu. Truyện ngắn Trăng nước sông Hồng sau đây đọc trong niềm tưởng tiếc sự ra đi vĩnh viễn của tác giả, cầu chúc linh hồn ông về lại chốn nghỉ ngơi nơi quê hương sông Hồng, nơi mà sẽ có một ngày, tiếng sáo diều trên nền trời xanh bao la lại ru ông và ru cả dân tộc này đi vào dòng chảy hồi sinh của tình yêu và nhân bản.
Trăng Nước Sông Hồng
Thôi vào buồng đi, để người khác còn ra vệ sinh, muộn rồi.
- Mới có dăm phút đã đuổi vào. “Dựa cột”* tới nơi rồi, tôi cũng chẳng hít thở không khí được mấy nữa đâu. Không chừng ngày mai, ngày kia là được ăn kẹo đồng. Đứng ngoài sân thoáng đãng, nhìn trời mây, non nước. Một giờ nữa sẽ vào.
Tên quản giáo đấu dịu:
- Còn bao nhiêu người, thôi, anh chịu khó vào đi. Nếu không thì hết cả buổi sáng, vệ sinh cũng chưa xong!
Gã thanh niên mang án tử hình, cởi trần, mặc chiếc quần đùi bộ đội, đôi mắt sếch trợn lên, nói như quát:
- Mặc xác họ, tôi chưa vào! Họ còn sống lâu, tha hồ mà hưởng không khí.
Nhìn thấy ở ngoài sân trại thấp thoáng một người mặc áo choàng trắng, gã nghển cổ, gào toáng lên:
- Báo cáo y sĩ đao phủ, bố của mày xin thuốc từ hôm qua mà mày không cho! A, mày lủi! Tiên sư y sĩ đao phủ! Tiên sư y sĩ dê cụ!
Tên y sĩ xuất hiện trước cửa sân khu xà-lim, nói ngọt như dỗ trẻ:
- Anh đau ngực phải không? Tôi sẽ cho người mang thuốc tới ngay. Cứ bình tĩnh! Cứ bình tĩnh!
Dứt câu, hắn quay đi, chuồn thẳng.
Những chuỗi cười khúc khích của cả nam lẫn nữ từ các buồng xà-lim bay ra, thích thú. Tên quản giáo hầm hầm đứng dậy, đập tay xuống bàn, rầm một cái:
- Câm hết! Ông khoá mõm lại tất cả!
Mấy con nhặng xanh lè bay vo vo trong nắng sớm vàng mượt, lấp lánh.
Tên quản giáo giơ tay xem đồng hồ, vẻ sốt ruột:
- Vào đi thôi, anh không thấy bao nhiêu người chờ đợi một mình anh sao?
Gã tử tù cười hềnh hệch:
- Việc gì phải chờ tôi. Có mót, họ cứ tương vào bô của họ ấỵ Tôi cùm 24 trên 24. Cả ngày có mấy phút thoải máị Vào để ông cùm ngay lại à? Tôi cũng chỉ mong được “đòm” một cái là đi đoong, đỡ khổ!
Tên quản giáo xua tay:
- Đừng quá bi quan. Anh đã làm đơn lên chủ tịch nước xin ân xá. Có nhiều triển vọng lắm. Anh đã từng đi bộ đội chiến đấu...
Gã tử tù nhăn mặt, cắt ngang:
- Ông đừng động viên lừa tôi. Từ xưa tới nay, Đồng chí Trường-Chinh kính mến có ân xá cho ai đâu! Nói thật với ông chứ, giá viên đạn của bọn bành
trướng Trung-Quốc bắn vào ngực tôi đây này, mà lệch đi độ 3 phân nữa thì trúng tim, tôi đâu có phải kéo lê cuộc sống đểu này đến bây giờ để những người như các ông ôm chặt chữ thọ, không biết hưởng khói lửa chiến trường là gì, nay lại đuổi vào bằng được, không cho cả thằng sắp lìa đời hưởng tí không khí suông. Không khí của trời đất, chứ phải của riêng nhà các ông đâu! Tôi còn đứng ngoài này hai tiếng nữa. Ông muốn làm gì thì làm! Tên quản giáo không biết xử lý thế nào, rút điếu thuốc ra châm hút. Lũ tử tù này mà khùng lên thì nguy lắm. Đã có lần, lão phó giám thị bị một tên ụp cả bô phân lên đầu, làm trò cười cho cả Hỏa-Lò. Dây vào đám cùi này chỉ thiệt. Nghĩ vậy, tên quản giáo quay ra điều đình:
- Thôi, anh vào buồng đi. Khi nào tất cả vệ sinh xong, tôi mới cùm anh. Quyền hạn của tôi chỉ có thể linh động cho anh được tới thế. Đồng ý chứ?
Gã tử tù ngần ngừ một phút, rồi cúi xuống, cầm cái bô lên, vừa đi vào buồng, vừa cười sằng sặc.
- Ông chiếu cố như vậy thì tôi vàọ Tôi cũng không muốn để mấy “Amie xanh tươi” phải nhăn nhó ôm bụng, cố nhịn vì tôi.
Tới trước cửa buồng kỷ niệm Hoàng-văn-Thụ, gã đứng lại nhìn vào, chửi đổng:
- Đ... mẹ thằng Pháp thế mà nhân đạo! Phía sau buồng, cửa sổ toang hoác, nắng gió tha hồ ùa vào. Phía trước lại có hai lỗ thông hơi to đùng, trẻ con chui lọt! Bây giờ bịt kín tất. Tối như bưng, nóng như nung!
Tên quản giáo xua xua chùm chìa khóa:
- Đừng phản tuyên truyền nữa, vào đi!
- Sự thực sờ sờ ngay trước mặt mà còn bảo là phản tuyên truyền. Ông nhìn xem buồng kỷ niệm ông Trần Đăng-Ninh kia kìa. Hồi Pháp thế nào, giữ nguyên như vậy, giống như buồng này, thoáng đãng. Thôi, nói với ông cũng bằng thừa!
Gã tử tù vào buồng, quăng chiếc bô xoảng một cái xuống sàn xi-măng làm tên quản giáo giật mình. Tiếng cửa đóng rầm, tiếng khóa lọc xọc.
Tên quản giáo mở buồng bên cạnh. Hai phụ nữ xanh nhớt, một trẻ măng, một đứng tuổi, người cầm bô, người mang quần áo, khăn mặt, cập rập bước ra.
- Hôm nay tôi bận họp. Mỗi buồng đúng năm phút. Khẩn trương lên!
Suốt trong khoảng một giờ đồng hồ, hơn một chục buồng lần lượt ra vệ sinh. Tất cả vội vã, cuống quít. Tiếng quát tháo, tiếng thúc giục, tiếng chân chạy uỳnh uỵch, tiếng nắp bô rơi loảng xoảng, tiếng cửa buồng đóng, mở, ầm ầm liên tục. Rồi tất cả chìm trong yên lặng.
Tên quản giáo khóa cửa ngoài hành lang, lặng lẽ bỏ đi.
Mười phút sau, một anh tù nhà bếp, mập mạp, da xạm nắng, bộ quần áo tù mầu xanh chật căng, gánh cơm vào sân xà-lim. Anh lặng lẽ đặt xoong bột luộc xám xịt, xoong nước muối đen xì như nước cống xuống chiếc bàn dài kê sát tường. Trên bàn, một chồng bát men, một chồng đĩa men, một đống thìa. Tất cả đều han gỉ, sứt mẻ, bẩn thỉu. Anh lầm lì làm công việc chia bôi, không hề liếc mắt về phía buồng xà-lim, coi như không có ai.
Trong một buồng, gã phạm cán đứng ghé mắt nhìn qua khe mấy tấm ván bịt cửa sổ, thông báo cho mọi người:
- Lại mì luộc, nước cống!
Những tiếng chửi tục bực bội, những tiếng chép miệng ngao ngán, những tiếng thở dài cam phận...
- Này, anh hai cấp dưỡng, sắp có rau muống chưa?
- 19 tháng 8 này có “ăn tươi” (có thịt) không, anh hai?
- Bao giờ thì mới có gạo, cho đàn em biết một tí!
- Đ... mẹ mày, điếc, câm à?
Mặc những câu hỏi, câu chửi từ các buồng văng ra, anh nhà bếp vẫn thản nhiên, lờ tịt, giữ đúng nội quy, không quan hệ, không liên lạc. Xong việc, anh đặt mấy cái xoong không vào quang, toòng teng gánh đi...
Gã tử tù cất giọng oang oang:
- Bố nó bị án chết mà bữa nào cũng chỉ nước cống với mấy miếng mì luộc nhỏ như lưỡi mèo. Thời Tây, thằng Phạm-Hùng, thằng Hoàng-văn-Thụ, sau khi tòa tuyên án tử hình là muốn ăn gì, có nấy, hơn cả “bìa A” (bìa ăn cao cấp) ở Tôn Đản! Còn các bố nó bây giờ, cứ bị tử hình là cùm miết, cấm gặp luôn cả gia đình. Đ... mẹ cái chế độ!
- Sao chú mày biết thời Tây, tử tù ăn uống sướng như vua chúa vậy?
Giọng miền Trung của gã phạm cán mỉa mai vọng sang.
- Sao biết à? Chính các ông ấy viết kể lại trong hồi ký cách mạng “Nhân Dân Ta Rất Anh Hùng”. Cứ hỏi ông Bộ-Trưởng Bộ Công An Phạm-Hùng thì biết. Ông ấy được Tây ân xá tha chết, sống sót viết lại đấy. Ông ấy còn kể là cả tử tù cướp của giết người muốn ăn gì thì ăn, theo ý thích! Sáng nào cai ngục cũng cầm sổ, cầm bút vào tận xà-lim án chém hỏi chúng muốn ăn gì. Thằng Thanh rỗ ở cùng với ông ấy đòi gà sống thiến và thuốc xì gà. Còn ông Trần Đăng-Ninh trước bị giam ở cái buồng số 2 kia kìa, thì kể là Hoàng-văn-Thụ ăn mửa ra không hết, thường đem cho các nữ phạm nhân. Mấy quyển sách này, thư viện nào chả có!
Ở buồng 14, buồng năm 1925 cụ Phan-Bội-Châu đã từng nằm, cửa sổ trông ra sân, gần ngay bàn chia cơm, xoang xoảng tiếng bô đập vào mấy miếng ván bịt.
Gã tử tù cười khanh khách:
- Chú em ơi, đập vỡ bô thì lấy gì mà “Trút bầu tâm sự”. Chuột Hỏa-Lò nó không sợ cái trò ấy đâu. Cứ để nó ăn, nó đái, nó ỉa vào. Ai chê, đưa tao. Tất cả có 14 suất, tao có thể một mình đớp sạch một lúc. Không tin thì cứ thử một bữa!
Có tiếng giầy bộp bộp. Tên quản giáo lủng lẳng chùm chìa khóa trong tay, đi vào. Ba, bốn con chuột cống béo múp, xám xịt, to như những con mèo con, đương xục mõm vầy vò trên mấy đĩa bột luộc, hốt hoảng nhẩy ào xuống đất, thoăn thoắt chui vào lỗ cống, mất hút... Từng buồng lần lượt được mở cửa ra lấy suất ăn mang vào. Đến lượt gã tử tù, tên quản giáo giọng tử tế:
- Đây, thuốc xoa ngực của anh đây. Từ nay trở đi, đến giờ này tôi mới cùm anh. Nếu anh chấp hành tốt, không mất trật tự, tôi sẽ bảo nhà bếp chia phần anh gấp đôi.
- Tôi không thèm ăn của người khác! Phần tôi tăng, thì những phần khác rút đi. Cả cái xà-lim này sẽ chửi thầm tôi. Ông chỉ được cái của người, phúc ta!
- Nếu anh sĩ diện hão, thì thôi.
Tên quản giáo ngượng nghịu nói, rồi lẳng lặng đi ra, quên cả hạch xách những người tù khác như thường ngày y vẫn làm.
Đối với bọn tù Hỏa-Lò, ăn sáng xong là coi như hết buổi sáng. Họ lại ngong ngóng đợi bữa chiều. Ăn chiều xong là coi như hết ngày. Lại ngong ngóng đợi bữa hôm sau. Hai bữa ăn là hai cái mốc chính trong đời của những người tù đói quặn, đói thắt, đói run, đói sa sẩm cả mặt mày, đói tiêu hao cả máu thịt, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác.
Ngày hôm đó, sau bữa ăn chiều, đột nhiên trời đất đen ngòm, rồi gió ầm ầm, mưa ào ào, sấm đùng đùng, dữ dội như trời long, đất lở. Mặc cho cành gẫy, cây đổ, cột đèn nghiêng, mái nhà tung bay bên ngoài. Tường xà-lim dầy nửa mét bằng bê-tông cốt sắt cứ trơ trơ!
Lũ tù hả hê, gào lên:
- Đã quá, cơn bão này giá trị hơn đĩa phở xào!
- Rôm sẩy khắp người sẽ lặn hết!
- Nóng thêm vài hôm nữa thời phát điên bố nó cả!
- Gió bão hãy thổi tung mẹ nó cái thế giới này đi! Trùm lấp tất cả những tiếng la thét khác là tiếng gã tử tù rú lên, liên hồi:
- Hoan hô Bác Hoàng-văn-Hoan!
- Hoan hô Đại Quân Trung Quốc!
- Giải phóng Việt-Nam!
Nhộn nhạo, ầm ĩ một hồi, tất cả dần dần thiếp đi, mê mệt. Hàng chục hôm liền, không khí xà-lim như hơi nước sôi. Những mụn đỏ lăn tăn nổi đầy người. Ngứa, rát. Mồ hôi lúc nào cũng ròng ròng. Rệp, muỗi đua nhau đốt, cắn. Ai ngủ được! Hôm nay mát mẻ, chỉ một lúc là vật ra ngủ cả, li bì.
Lúc gã tử tù bừng thức giấc thời bão đã tan, mưa đã tạnh từ lâu. Toàn bộ Hỏa-Lò lặng ngắt. Trong xà-lim nghe rõ tiếng ngáy hồng hộc, tiếng nghiến răng ken két từ mấy buồng vọng ra. Không biết mấy giờ. Nhưng chắc đã khuya lắm. Gã ngồi dậy, dùng hai bàn tay xoa mắt, xoa mặt một lúc cho tỉnh táo. Rồi gã lấy túi ni-lông nước, ngửa cổ uống ừng ực, nước chảy cả xuống cổ, xuống ngực. Đặt túi ni-lông vào góc cùm, gã đằng hắng mấy cái, rồi cất tiếng hát. Giọng trầm, ấm, buồn. Trong đêm tù âm u, nghe ai oán, não nuột:
Mòn con mắt
Trông về Nam cánh nhạn lẻ loi...
Tình tang tình...
Ờ cô mình...Thấu chăng tình...
Gã ngừng hát, nghe ngóng. Buồng trước mặt vẫn im lìm. Chắc “Em” ngủ. Gã mới chuyển từ xà-lim 2 sang xà-lim 1 này được hơn một tuần. Từ mấy đêm nay, đoán chừng khi mọi người đã yên giấc, gã vẫn dùng mấy câu hát này làm tín hiệu cho “Em” biết là “câu chuyện tâm tình” có thể bắt đầu. Đợi một lúc không động tĩnh gì, gã nhoài người, lấy tay đập vào cửa buồng thình thình mấy tiếng.
Buồng trước mặt vọng sang giọng một cô gái, nhỏ nhẹ, âu yếm như ve vuốt:
- Sao hôm nay thức sớm thế, có ngủ được không?
- Ngủ được. Em có ngủ được không?
- Em chỉ nằm mơ mơ màng màng thôi. Lâu lắm rồi, không bao giờ ngủ ngon cả. Mà cũng chẳng cần ngủ. Rồi sẽ tha hồ mà ngủ!
- Anh đang ngồi. Còn em đang nằm hay ngồi?
- Em đang nằm.
- Nằm nghiêng hay nằm ngửa ?
- Nằm nghiêng về phía bên ngoài.
- Cùm mà nằm nghiêng được à?
- Em gầy đi nhiều. Cổ chân nhỏ đi, có thể xoay người được.
- Em có thích anh sang với em không?
- Vớ vẩn! Sang làm sao được? Chết đến nơi cả rồi, còn đùa!
- Anh không đùa. Anh hỏi nghiêm chỉnh là em có thích không?
- Ai mà chẳng thích! Giá chúng mình gặp nhau ở ngoài nhỉ!
- Em nói thế là anh thỏa lòng rồi. Cảm ơn ông Trời đã cho anh chuyển sang đây gặp em, lại được nằm đối diện với buồng em.
- Anh cũng tin ở Trời à?
- Nói thế thôi, chứ Trời đất gì! Đời toàn bịp bợm, đểu cáng, dối trá. Càng lương thiện, hiền lành, càng bị chúng nó bóp cổ đến phòi cả con ngươi mắt ra. Từ lâu rồi, anh chẳng tin gì cả. Cả Trời, cả đất, cả người! Chỉ riêng có em là anh tin thôi.
- Tại sao anh lại đi tin em?
- Ờ ờ...Cái này khó giải thích lắm. Lần đầu tiên chỉ thấp thoáng nhìn thấy hình dáng em khi em đi làm vệ sinh thôi, anh đã thấy bồi hồi cả lòng. Nghe tiếng guốc em kéo lê ngoài hành lang, mòn mỏi, buồn nản, anh tự nhiên thấy thương cảm vô hạn. Rồi cái hôm trong giờ vệ sinh, lợi dụng lúc thằng quản giáo đang đấu hót với con y tá ngoài bàn, anh mở lỗ cửa gió buồng em. Nhìn thấy em xanh xao đang ngồi trên sàn, chân trong cùm, thân gầy, tóc xõa ngang vai. Dưới ánh đèn vàng, vẻ mặt em rầu rầu, nhưng thanh tú lắm. Em hơi giật mình khi nhìn thấy anh. Em có đôi mắt quyến rũ lắm, hút được cả hồn người! Nhìn vào mắt em, anh thấy xao động cả một trời mơ ước, một trời hạnh phúc... Rồi tối hôm đó, em tìm cách quăng dây sang buồng anh, cho anh đường, kẹo, bánh quy, kim, chỉ, tăm. Cả một hộp cao Sao Vàng nữa. Từ khi thầy mẹ anh mất, đời anh chẳng được ai thương cảm chăm sóc như thế cả. Đêm ấy anh khóc rất nhiềụ Anh yêu em từ buổi đó. Mà đã yêu thời phải tin nhau. Người ta gọi là “tin yêu” mà lại. Hơn nữa, anh còn phục em.
- Em có gì đáng phục mà anh phục?
- Chuyện em “đánh hỏa công”, dùng một can xăng đốt chết cả nhà thằng công an hộ khẩu, trấn động cả Hà-Nội. Đáng phục quá đi chứ!
- Em ức quá đấy thôi. Em chỉ mua bán tem phiếu ở cửa mậu dịch để kiếm sống, có hại ai đâu. Thằng hộ khẩu đó ở gần nhà em chuyên môn ăn chạc, uống chạc, hút chạc của mấy hàng phở gánh, của mấy bà bán nước, của mấy em bé bán thuốc lá. Thế mà nó tự tiện khám nhà em nhiều lần. Lợi dụng khám cả người em! Em chửi nó. Nó đưa em ra khu phố đấu tố. Mẹ em dạy học cũng bị nhà trường lôi ra kiểm điểm. Em cố nhịn mãị Tới khi vì nó mà em bị chính quyền bắt đi kinh tế mới khai hoang, em không nén được nữa, mới ra tay. Còn anh, chỉ mang tội “đột vòm”* thôi mà sao cũng bị tử hình nhỉ, lạ thật!
- Em không biết. Anh là đầu vụ. Bình thường ra thì chỉ mười năm tù là tối đa. Nhưng bọn anh vô tình chơi phải kho thuốc tây của trung ương Đảng ở phố Đinh-Liệt gần hồ Hoàn-Kiếm mới bỏ mẹ. Ông luật sư Đỗ-xuân-Sảng, trước hôm xử, gặp bọn anh, đã nói trước: “Các cháu dại lắm! Chết rồi. Các cháu dám sờ vào dái ngựa. Hết cứu. Bác đành chịu!” Đời anh thực là khốn nạn. Đi bộ đội từ năm 17 tuổi. Đánh nhau cả với Mỹ lẫn Trung-Quốc. Quăng quật trên chiến trường hàng chục năm. Rút cuộc chỉ được một vết thương ở ngực, một vết thương ở đùi, và phải giải ngũ. Anh sống bằng nghề thợ điện, có biết trộm cắp là gì đâu. Chỉ vì anh mê một con văn công quân đội. Nó thích trưng diện. Nhiều sĩ quan tặng quà cho nó. Anh nghèo lại muốn chơi trội, định tặng nó một món thực sang. Thế là anh tổ chức đánh quả thuốc tây này, và bị tử hình. Từ ngày anh bị bắt, nó lờ tịt, chẳng thăm hỏi gì. Anh hận lắm. Nhiều bạn bè đã khuyên anh là đừng dính với bọn văn công. Loại gái này không xài được. Họ bảo phải nhớ câu “giường bệnh xá, má văn công”. Anh hối hận là đã không nghe họ. Gặp em, anh coi như mối tình đầu của anh đấỵ Em đúng là người trong mộng tưởng của anh. Nhưng anh tồi tệ như vậy, em có thương anh không?
- Hai đứa bị tử hình không thương nhau thời thương ai? Hôm anh nhìn vào buồng em, thấy mặt anh ngây ra, buồn cười quá! Chắc chúng mình có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Năm nay em 19 tuổi. Ở ngoài, em chưa yêu ai đâu!
- Mười chín tuổi. Mới có trăng tròn lẻ bốn. Chưa một mảnh tình vắt vai. Tuổi mới bước vào đời, mà đã phải bước ra. Tiếc thật. Giá anh có thể chết thay cho em được thì tốt biết bao! Anh hơn em đúng một giáp. Nhưng sao anh thấy em bình tĩnh thế. Không như anh, nhiều lúc muốn điên loạn.
- Em bình tĩnh là vì em tin có linh hồn, có luân hồi. Con người không phải chỉ có một cuộc đời, mà có nhiều cuộc đời. Miễn là sống cho tốt, gieo nhân tốt, thì kiếp sau hái quả tốt. Mẹ em thương em, tiếp tế cho em đủ ăn. Nhưng thấy các bạn tù ở đây nhiều người chỉ sống bằng hai suất ăn của trại, đói khổ quá, em thương, em phân phát cả. Em có gầy đi cũng chẳng sao. Béo, gầy, đằng nào cũng ngủ với giun tới nơi. Bác già ở buồng cạnh em giảng giải cho em về lẽ sống, chết, nên em mới hiểu và an tâm như vậy. Lão già buồng bên vẫn nằm thẳng cẳng, hai tay buông xuôi, mắt nhắm nghiền, hít thở đều đều. Nghe thấy nói tới mình, lão hơi mở mắt, rồi lại nhắm ngay lại.
- Cái lão già phản cách mạng ấy nói thiên thối để an ủi em đấy. Anh xông pha chiến trận, bao nhiêu người chết. Anh chẳng bao giờ thấy linh hồn họ cả.
- Em cũng chưa thấỵ Nhưng bác ấy là người từng trải, có tư cách, không nói dối đâu. Bác ấy kể chuyện một số người đã chết, rồi lại sống lại. Tất cả đều nói rằng khi linh hồn thoát khỏi xác thì bay tới một vùng đầy hào quang, tưng bừng hương sắc, vui lắm, không ai muốn trở lạị Nhưng vì số chưa hết, nên hồn bị trả về thể xác. Còn chuyện đầu thai nữa, có nhiều bằng chứng được các nhà nghiên cứu khoa học xác nhận. Bác ấy quả quyết là Thượng đế tạo ra vũ trụ, tạo ra muôn loài. Đơn giản như cái bát, cái thìa, cũng phải có người tạo ra mới có. Huống chi con người, không thể tự nhiên mà có được đâu.
- Nghe có lý đấy. Mấy đêm trước, anh nằm mơ thấy thầy mẹ anh. Hai “cụ vía” vui lắm, nói là sắp được đón anh. Kiếp sau hai đứa mình sẽ chung sống nhé! Nhưng nếu đầu thai thì em với anh đầu thai vào hẳn nước Mỹ cho nó sướng cái thân. Chớ có đầu thai vào cái nước Việt Nam này, mà lại bỏ mẹ cả!
- Đợi kiếp sau lâu lắm, em không đợi được đâu. Sau khi chết, hai linh hồn chúng mình gặp nhau ngay cơ! Chúng mình chọn một nơi thật thơ mộng, như bên Hồ-Tây, trên đường Thanh-Niên ấy. Vào những đêm trăng sáng, mặt nước Hồ-Tây bát ngát, êm ả, lấp loáng, gió thổi mơn man. Chúng mình sẽ ngồi trên ghế đá. Em ngả đầu vào ngực anh. Anh vuốt má em...
- Ý kiến hay quá! Nhưng bên Hồ-Tây có nhiều cặp lắm. Bọn “thanh niên cờ đỏ” lại hay đi lùng sục, hạch hỏi, mất cả thú!
Cô gái cười khúc khích:
- Chúng mình là ma cơ mà. Chúng nó làm sao nhìn thấy được. Nếu thấy, chúng cũng sợ chết ngất đi, làm sao có thể phá rối nổi tình yêu chúng mình được.
- Theo ý anh, để tránh phiền phức, chúng ta gặp nhau ở trên đê sông Hồng. Chỗ Đồn-Thủy đi thẳng ra ấy. Hồi mười bốn, mười lăm tuổi, anh với bọn bạn thường nô đùa trên bãi cát, rồi bơi qua sông, sang bờ bên kia, lủi vào các bãi ngô rậm rạp, bẻ trộm ngô, nướng ăn. Cảnh trăng nước sông Hồng lồng lộng, đẹp lắm em ạ. Hoàn toàn thanh vắng, trên tài* Hồ-Tây nhiềụ Lại không bị bọn “thanh niên cờ đỏ” quấy rầy. Em thấy thế nào ?
- Thế mà em không nghĩ ra! Hồi bé, gia đình em ở chỗ đó. Mẹ em đẻ em ở đó đấỵ Vào những đêm trăng sáng, chúng ta cứ gặp nhau ở đó. Có anh bên cạnh thì nơi nào em cũng thấy hạnh phúc. Ngay cả ở trong cái xà-lim bẩn thỉu, đang bị cùm kẹp như thế này.
- Anh cũng vậy, sao ý nghĩ chúng mình giống nhau quá nhỉ á! Đúng là có duyên số, có Trời dun dủi cho anh trước khi chết được gặp em, được yêu em, được em yêu. Anh tin có Trời rồi em ạ. Cứ tưởng tượng tới cảnh hai hồn ma chúng mình được ôm ấp, quay cuồng quấn lấy nhau, trong cảnh trăng nước sông Hồng dạt dào, mênh mông, anh sung sướng quá, không sợ chết nữạ Niềm tin và tình yêu mạnh hơn cái chết!
- Này, nếu ở thế giới bên kia mà anh phụ em, em sẽ ”hỏa thiêu” luôn cả linh hồn anh đấy. Anh sẽ không được đầu thai nữa đâu!
- Trời đã thương anh, ban em cho anh. Anh mà phụ em nghĩa là phụ cả ân đức của Trời rồi. Chẳng cần phải em hỏa thiêu. Trời sẽ cho sét nổ lên đầu, đánh chết tươi anh ngay. Em ơi, anh muốn sang buồng em quá. Nghĩ tới được ôm ấp em, vuốt ve em, anh run cả người lên đây này.
- Em cũng muốn lắm. Mồ hôi em lấm tấm ở trán đây nàỵ Hay là chúng mình cứ tưởng tượng nằm bên nhau như vợ chồng đi. Từ nay chúng mình là vợ chồng nhé, đêm nay là đêm tân hôn nhé.
Gã tử tù ngạc nhiên:
- Em cũng nghĩ tới chuyện cưới nhau, coi nhau như vợ chồng à? Anh cũng đã nghĩ tới. Sao trùng hợp lạ thế nhỉ? Em có biết tại sao sáng nay anh quậy thế không?
- Bình thường anh lầm lì. Sao sáng nay anh phá dữ thế?
Tên quản giáo sợ, cũng phải nhượng bộ.
- Không nhượng bộ thì anh sẽ cho nó ăn “mỹ kim”!
- Mỹ kim? Đô la mỹ à?
Gã cười hăng hắc:
- Anh làm gì có đô la Mỹ. Bọn anh gọi lê, dao là mỹ kim, nghĩa là kim loại quý để trang sức. Anh đã mài một cái đinh bảy phân nhọn hoắt, sáng quắc. Nếu nó hỗn với anh, anh sẽ “trang sức” vào mặt nó mấy mũi để kỷ niệm suốt đời. Hoặc sơi nó một “pha”, cho nó thành độc nhỡn! Anh đã từng là đặc công, nhanh như sóc. Nó không đỡ nổi đâu.
- Thế sáng nay anh quậy phá là để được thoải mái vài giờ chứ gì?
- Em đoán đúng. Buổi sáng, cả em cũng được thả cùm như anh phải không?
- Ừ, tới lúc lấy cơm nó mới cùm em.
- Thế là đạt mục tiêu rồi!
Cô gái chép miệng:
- Thả cùm một, hai tiếng đồng hồ thì bõ bèn gì mà anh phải phí hơi với nó.
- Mục tiêu không phải thế. Anh định thế nàỵ Em tha lỗi cho anh trước, anh mới dám nói.
- Đã là vợ chồng, có thể trao thân gửi phận cho nhau, có gì không nói được mà phải giào đón như người xa lạ ấy.
Gã tử tù hạ thấp giọng, nói nhỏ bớt đi:
- Em đã thông cảm, thời anh mạnh dạn nói. Đêm qua nằm, anh nghĩ anh sẽ đề nghị với em là chúng mình trở thành vợ chồng. Nhưng chuyện động phòng là không thể được rồi. Anh chỉ muốn chúng mình ngắm thân thể của nhaụ Nhưng cả hai cùng bị cùm cả thì làm thế nào đứng lên nhìn sang buồng nhau được. Vì vậy anh mới lập mưu để hết giờ vệ sinh nó mới cùm chúng mình. Như thế, từ sáng mai, sau khi vệ sinh vào, anh sẽ đứng lên cùm, nhìn sang buồng em. Đến lượt em, lại đứng lên cùm, nhìn sang buồng anh. Nếu như chưa đủ cao để nhìn được, em kê thêm cái chăn, cái bộ May mà giờ vệ sinh đèn lại chưa tắt! Nhớ phải cởi hết ra đấy!
- Được, anh cũng phải thế đấỵ Nếu có cơ hội, anh mở lỗ cửa gió buồng em như hôm nọ. Em sẽ để môi ra cho anh hôn.
- Sáng kiến lắm! Anh sẽ hôn. Ờ... mà không phải hôn. Anh sẽ uống linh hồn em!
- Em cũng uống linh hồn anh. Cho hai linh hồn chúng mình hòa với nhau làm một!
Đột nhiên, nhiều tiếng giầy thình thịch đi vào sân.
Rồi tiếng mở khóa loảng xoảng.
Gã tử tù tim như ngừng lại, hốt hoảng:
- Có lẽ anh “đi” đấy!
Giọng cô gái hồi hộp:
- Có thể là em!
- Dù là ai, cũng bình tĩnh lại. Phải chết cho đàng hoàng. Anh đã chuẩn bị đón giờ này từ lâu rồi.
- Em cũng thế.
- Tiếng cửa sắt rít lên. Tên quản giáo và bốn tên công an vũ trang rầm rập bước vào hành lang xà-lim. Bọn tù ở các buồng dọc theo dẫy hành lang đều ngồi nhỏm dậy, nín thở, nghe ngóng.
Tên quản giáo mở cửa buồng gã tử tù. Hai tên vũ trang xông vào, quát:
- Ngồi im, không được cử động!
Chúng bẻ hai cánh tay gã tử tù ra sau lưng, dùng còng số 8 khóa lạị Tên quản giáo bước vào mở khóa cùm.
Gã tử tù nói to:
- Anh đi trước, anh sẽ đợi em ở bờ sông Hồng. Nhớ trăng nước sông Hồng, đừng sai hẹn!
Cô gái đập cửa buồng thình thình, gào lên:
- Xin các ông đưa tôi đi bắn cùng với anh ấy! Xin các ông!
Một tên công an vũ trang cười hà hà:
- Chúng nó sợ hóa điên cả rồi. Có gan ăn cướp thì phải có gan chịu đòn chứ.
Một tên khác lấy mảnh vải bịt mắt gã tử tù lại, rồi đẩy gã ra khỏi buồng:
- Đi!
Gã tử tù ra ngoài hành lang, hướng về buồng cô gái:
- Tạm biệt em. Có em, anh rất mãn nguyện. Đừng buồn. Hãy giữ lấy tư cách. Đừng cầu xin chúng nó gì cả. Chắc chắn chúng mình sẽ gặp nhau.
Tiếng cô gái nức nở:
- Anh ơi! Tạm biệt anh! Em thương anh quá! Em muốn đi cùng với anh. Chúng mình phải gặp nhau! Trên bờ sông Hồng, em sẽ tới đó!
Gã tử tù thét to:
- Chào các bạn, vĩnh biệt các bạn! Tạm biệt em!
Tên quản giáo gằn giọng:
- Tiên sư mày, chết đến nơi rồi, còn mất trật tự! Trước khi ăn đạn, ông phải cho mày ăn đòn hẵng!
- Ông mà động tới anh ấy, ông sẽ hối không kịp với tôi!
Tiếng cô gái thét lên.
- Giờ phút này mà ông còn định đánh người ta, ông mất hết tính người rồi sao? Tôi sẽ báo việc này lên Trên!
Tiếng lão phản cách mạng sang sảng, nghiêm nghị, đĩnh đạc.
Hai tên vũ trang xốc nách gã tử tù, lôi mạnh:
- Đi! Đi!
Ra tới sân, gã ngoái cổ lại, kêu lớn:
- Em đừng buồn, anh đợi em! Anh đợi em!
- Anh đi trước! Em đi sau! Chúng mình nhất định sẽ gặp nhau, anh ơi!
Trong xà-lim, các tù nhân nữ thút thít khóc. Nhưng có một tiếng khóc nấc lên từng hồi, thảm thiết, xé ruột, xé gan tất cả những ai còn là người.
Xa xa, tiếng gã tử tù vọng lại, nhỏ dần, loãng dần...
- Trăng nước sông Hồng... Trăng nước... sông... Hồng... Trăng nước... Em ơi......
Nguyễn Chí Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét