Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

LTS: Trên xe điện tại Nhật, thỉnh thoảng người bạn tuổi tóc muối tiêu của chúng tôi đã có lần bắt gặp những cô gái thản nhiên bôi son, tô phấn trang điểm. Nếu đó chỉ là một làn kem thoa tay chống khô nứt hay viên kẹo ngậm làm giảm cơn ho, thì có lẽ thiện cảm dành cho cử chỉ chăm sóc ý tứ ấy của chủ nhân sẽ rất nhiều, hơn là ác cảm.
Vậy thì tại sao lại ác cảm với việc bôi son tô phấn ấy của cô nàng kia? Ông bạn trả lời gọn và nhẹ: Vì cái gương soi!
     Có lẽ hình ảnh nhân vật Kyoko trong truyện ngắn Suigetsu của Kawabata đã ăn đậm trong óc ông rồi chăng? Khi người chồng cũ bị lao phổi liệt giường, Kyoko để lại chiếc gương tay, tặng vật hồi môn của nàng trước khi tái giá. Trong cơn bệnh ngặt nghèo, người chồng đã “đập gương xưa tìm bóng” để sống lại với trăm ngàn kỷ niệm. Rồi Kyoko, sau khi chồng cũ qua đời, nàng như “thấy” được mình trong thế giới bên kia của chồng, và cuộc đời còn lại sau đó là những chuỗi ngày giao cảm với tình xưa qua chiếc gương tâm tưởng đó.
Soi gương phải là để nhìn lại mình, mình đi tìm mình. Chính vì thế ông bạn khó tính của tôi chẳng thể nào chấp nhận được hành động chối bỏ mình để đi tìm một hình ảnh tưởng là đẹp hơn bằng son phấn nhạt nhòa kia.
Trên xe, các hành khách khác người thì ngấu nghiến đọc báo, kẻ ngủ gật gà, ngay cả đến trẻ em cũng chẳng một ai thèm ngó ngàng đến cảnh vật chung quanh ở bên ngoài kính xe. Chỉ có thế thôi cũng đã làm bạn tôi lại buồn. Ngày xưa, mỗi khi đi tàu, bạn tôi đã rất vui khi nhìn thấy các đứa trẻ dí mắt dán cứng vào kính xe để tận hưởng cảnh vật bên ngoài. Tuyệt đối không có cái cảnh hí hoáy trang điểm hoặc loay hoay với các dòng chữ trên đủ loại điện thoại di động như bây giờ. Nhận thức đến ngoại cảnh chính là bước đầu của tư duy về bản thể. Nếu không có những rung cảm hoặc không biết nhìn ngắm ngoại vật, con người khó có thể hiểu biết sâu sắc về mình, để từ đó cảm thông với tha nhân. Những đứa trẻ dán mắt vào kính xe say đắm với thiên nhiên chung quanh, theo bạn tôi, sẽ khó mà trở nên những người lớn ích kỷ, chỉ biết sống cho mình.
Vườn măng rừng tháng sáu đêm thâu
Muốn làm người học trò mười bảy tuổi
Đạp xe trên đường đồng
Bông mía trắng những căn nhà ngủ dưới cây…
Sau khi xuống ga, xe lại tiếp tục lao nhanh như muốn bỏ lại đằng sau người đàn ông lạc lõng chợ đời đó. Điện thoại di động trong túi bạn tôi bỗng rùng rình, một giòng tin nhắn cộc lốc của phu nhân hiện lên làm ông ngao ngán: 2 hộp sữa tươi, 100g thịt lợn bằm, 4 củ hành tây! Đó là nội dung dặn dò của chuyến mua sắm chiều nay sau khi tan sở, và đó cũng là “đối thoại” vốn đang càng ngày càng ít đi trong đời sống của vợ chồng bạn.
Bao nhiêu năm xông pha nơi tuyến đầu của doanh nghiệp, chạy theo đồng lương hầu “mua sắm” hạnh phúc gia đình để chỉ đổi lấy những cảm giác bực bội và giòng tin nhắn lạnh lùng này hay sao. Bạn tôi chợt biết là mình đã đánh mất rất nhiều thứ, và tự nhiên thấy thèm vô cùng một chiếc gương soi!
Tôi buồn khóc như buồn nôn
Ngoài phố
Nắng thủy tinh
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
    Kính thưa bạn đọc, giữa câu chuyện trong xe điện của thời hiện tại và các giòng thơ trích dẫn kể trên hiện diện một khoảng cách về thời gian là 50 năm và một khoảng cách khá xa về địa lý.
Những âm hưởng dù gai góc, đắng cay nhưng đầy mùi vị con người và mang đầy tính phổ biến này của tác giả đã vượt qua giới hạn thường gặp trong tư duy cảm nhận về thơ để mang lại những chấn động khôn nguôi cho người đọc trong mỗi cơn trăn trở về cuộc đời.   
Thơ ca chẳng thể nào là bài học về cách sống cho được khôn ngoan hơn, thực dụng hơn, nhưng chính là hồi còi báo động cho những điều sẽ phải đổi thay hoặc tái diễn. Một năm đã qua đi kể từ ngày nhà thơ Thanh tâm Tuyền nằm xuống, và đã là 50 năm kể từ khi ông hét to trước bao chóng vánh của cuộc đời để dương cao ngọn cờ sáng tạo trong văn học miền Nam thời ấy, tiếng hét đó không phải là những hằn học đến tha nhân, ông dành cho chính mình, cần đổi thay để sống như cần chết đi để một lần được phục sinh.
        Tôi thèm giết tôi
        Loài sát nhân muôn đời
        Tôi gào tên tôi thảm thiết
         Thanh tâm tuyền
 Thưa bạn đọc, “tôi” trong thơ Thanh tâm Tuyền phải chăng là loài người của mọi hôm nay, và trong tiếng gào thảm thiết của “loài sát nhân” trước dồn dập dổi thay kia phải chăng đã chứa đựng bao hoài vọng về những nên thơ xưa cũ.
Xin chúc bạn tôi tìm được chiếc gương soi để an lòng tìm lại “điểm đứng” của mình và mãi có những bữa cơm chiều đầm ấm.

PH?C SINH

tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu

tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang

tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh

tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.


BÀI NGỢI CA TÌNH YÊU

1.

Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
con ngựa buồn
lửa trốn con ngươi

Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những giòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nức lòng đường
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng

Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố ruộng đồng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở
ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh
cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng
chảy máu
tiếng kêu
2.
Tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn tổ quốc
nhìn gót giầy miệng uống tro than
nghe tiếng ca của một người không quen
của cuộc đời tình nhân

3.

Trang sách khởi đầu viết
mắt người cần ánh sáng
môi người cần mặt trăng
bàn tay đòi mặt trời
và ngực em tự do
của anh của anh tất cả

Em gối đầu sương xuống
chuyện trò bằng bóng hình

Tôi đẹp như hình tôi
như cuộc đời
như mọi người
như chút thôi
anh yêu lấy em

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
em là cánh hoa là sương khói
đêm màu hồng

Vòng tay dĩ vãng và bát ngát
chỗ yên nghỉ cuối cùng
dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con

4.

Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đoạ đầy
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam

Thanh Tâm Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét