Thứ Tư, 28 tháng 5, 2008

LTS: Sáng nay, cũng như mọi ngày, những người đàn ông từ tài xế trên xe, công nhân nhà máy, rồi công chức cơ quan, cho đến bác nông phu đang vào mùa cấy…lại hăm hở trên đường đi làm. Muốn phát triển, một đất nước không thể thiếu những buổi sáng hừng hực sinh khí này, cũng như để có được những bước chân xăm xăm lăn xả vào công việc của một ngày đang đến chắc là không thể thiếu được bàn tay của những người phụ nữ đã dậy sớm hơn trước đó rất nhiều để bắt đầu “cơn nước lửa” của một ngày trong một đời cho chồng, cho con.
Thống kê của Viện nghiên cứu cấp nước Nhật bản cho biết lượng nước tiêu dùng trong ngày có đỉnh cực đại tại 6:07 sáng, thời điểm mà đa phần đàn ông đang say giấc cuối cùng hoặc đã dậy rồi thì cũng chỉ cà phê thuốc lá vật vờ!
    Chồng vừa ra khỏi nhà, thì 3 con nhỏ, một ở đằng yên trước bụng, một trên yên sau và một địu sau lưng, chiếc xe đạp hì hục trên đoạn dốc dài, trong mưa, trong gió, đưa con đến nhà trẻ. Sau đó thì phóng ngay đến nhà máy gần nhà để làm thêm phụ vào thu nhập chi tiêu gia đình. Chiều đến lại hối hả đón con, chợ búa, chuẩn bị cơm chiều. Để có được buổi tối yên bình cho người đàn ông sau khi tan sở, mẹ cháu phải tất bật mãi tận khuya. Đó là chưa kể khi con cái đau ốm, trái gió trở trời…
Đây chỉ là hình ảnh tương đối phổ biến của người phụ nữ, không nhất thiết ai cũng giống ai, bởi mỗi người một số phận. Thế nhưng tất cả đều có chung một đặc tính: sức chịu đựng. Thống kê tư pháp cho biết rằng rất ít người phụ nữ tiết lộ những gì mà họ không muốn khai báo tại các cơ quan thẩm vấn, trong khi phần lớn đàn ông nếu áp dụng biện pháp thích hợp thì sẽ thố lộ ngay. Nghiên cứu sinh lý thần kinh cũng kết luận là đàn ông không thể nào chịu thấu nỗi đau đớn có mức độ như cơn đau chuyển bụng khi sinh đẻ. Và cũng còn rất nhiều hình thức chịu đựng và năng lực phi thường khác mà trời ban cho người phụ nữ trong thiên chức làm mẹ.
Điều lạ kỳ là, trước khi lấy chồng sinh con, trước khi băng mình xông xáo trên xe đạp với 3 đứa con tay xách nách mang như vừa kể trên, tất cả người đàn bà đó đều đã từng là những tình nhân mềm yếu, dịu dàng nhất trái đất này:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
    Nguyên Sa là một trong những nhà thơ mở ra cánh cửa huyền thoại đó bằng những câu hỏi bâng khuâng và âu yếm nhất thi đàn Việt Nam. Và dường như bao giờ ông cũng dừng lại tại những câu hỏi này, không tiến sâu hơn nữa vào những uẩn khúc khó hiểu để trả lại cho người yêu trong thơ mình màu huyền thoại ban đầu. Thơ ông thấm vào lòng tuổi trẻ không phải bằng những con chữ khó nhọc, mà đó là sự thăng hoa nhẹ nhàng từ hơi thở và nhịp đập của thể xác đang yêu. Các hình ảnh đậm màu Việt Nam như áo lụa, như hương cốm, lá sen…để lại âm ba cho rất nhiều thế hệ chính là nhờ sự đồng điệu có được từ bất cứ một tâm hồn nào đang yêu nhau, hơn nữa, thơ tình ông viết bao giờ cũng êm ả như một lời ca dao:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường…
    Không có Nguyên Sa chắc thơ tình Việt Nam hiện đại sẽ như một nhan sắc có làn da khô vì thiếu độ ẩm. Và không có người phụ nữ trong mơ, giáo sư triết học Trần Bích Lan* sẽ chẳng bao giờ trở thành được Nguyên Sa! Rồi nếu thiếu những người đàn bà được yêu và ban phát tình yêu thì thế giới này chắc sẽ khủng khiếp hơn vì khan hiếm thi ca và âm nhạc. Cho dù ngày nay phụ nữ đã có thêm rất nhiều cơ hội tiến thân ra xã hội không thua kém nam giới, từ ngữ “nội trợ” có thể trở thành một tử ngữ trong tương lai rất gần, thế nhưng một bữa cơm, một tấm áo được chăm sóc bằng bàn tay mẹ vẫn sẽ mãi là kỷ niệm nhiệm màu về tình yêu trong tâm hồn con trẻ. Cũng như thiếu những bàn tay khuya sớm tảo tần và vuốt ve trìu mến đó, các đấng mày râu trông sẽ buồn làm sao!
    Ngày lễ tạ ơn Mẹ trong tháng 5 sẽ là một cơ hội tốt để đàn ông trên trái đất nghĩ nhiều hơn nữa đến người bạn đồng hành từ thuở hồng hoang đã cùng nhau vượt qua bao cơn sóng gió sau khi ra khỏi vườn địa đàng. Xin đề nghị những người đàn ông đó hãy ngâm tặng 1 vầng thơ Nguyên Sa:
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh: sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc
*tên thật của nhà thơ Nguyên Sa
Tương tư
Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vùng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?
 
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
 
Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?
 
Có phải rằng tôi chưa được quên
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương.
 
Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em
Có phải em về đêm nay
Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngỏ
Ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh

Có phải em về đêm nay
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như là vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội

Có phải em về đêm nay
Để phá tan
Những nụ cười thắt se sầu tủi
Như anh vẫn cười mà đau đớn bao nhiêu
Không biết đời người có đưa đến tin yêu
Những ngón tay có đưa đến bàn tay
Những mùa thu có đến gió heo may
Hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh

Có phải em về đêm nay
Giữa lòng chiều tím lặng
Cho anh đừng tìm thấy anh
Đo đếm thời gian
Bằng những điếu thuốc lá tắt trong đêm
Đầu gối trên cánh tay
Để giấc mơ đừng tẻ lạnh

Em đừng trách anh đã quá lo âu đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn cơ em
Dù không muốn gục ngã trong đêm
Nhưng đã bao lần đêm khuya
Anh không biết đã làm thơ
Hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
Đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
Sao em không về
Để dù nắng dù mưa
Dù trong thời gian có sắc mầu của những thiên đàng đổ vỡ
Anh vẫn chăn chùm kín cổ
Ngủ say mềm
Vì lòng anh (em đã biết)
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết - dù để làm thơ
Nên tất cả chỉ vì yêu em
Và làm thơ cho đến chết

Em sẽ về, phải không em
Có gì đâu mà khó khăn, trắc trở
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh: sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc

Có phải em sẽ về
Dù bầu trời vẩn đục
Hay bầu trời trang điểm bằng mây
Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
Trong những chiều gió thổi
Nguyên Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét