Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2008

Giấc Mơ Và Phân tâm Học

LTS:
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Chủ đề “giấc mơ và phân tâm học” đã được các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn bàn luận sôi nổi tại hội thảo về tư tưởng của Sigmund Freud, (5.1856 – 9.1939) do Đại học Kyoto tổ chức vào tháng 3 năm nay.

Năm 2006, kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Freud cũng là năm nhà xuất bản Iwanami Shoten lớn nhất Nhật bản phát hành biên khảo “Freud toàn tập”, để từ đó dấy lên một phong trào truy cứu những giá trị to lớn trong học thuyết tâm lý của nhà phân tâm học người Áo gốc Do thái này. Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng, Freud cho rằng tinh thần con người bị chi phối phần lớn bởi vô thức, các ức chế cũng như xung động tính dục “libido” của cuộc sống hằng ngày đã được thể hiện qua giấc mơ sau quá trình “kiểm duyệt và gia công” của não bộ. Tư tưởng lấy bản năng dục vọng làm gốc này xuất hiện giữa trào lưu triết học coi trọng lý tính con người tại châu Âu thời đó dù đã gây nên làn sóng phản đối và tranh cãi kịch liệt, nhưng thủy chung, Freud đã bảo vệ đến cùng những tia sáng mà ông chiếu rọi và đột phá vào tầng lớp thâm sâu trong cấu trúc tâm lý con người. Khi phân tích rằng tính dục không chỉ được thể hiện bằng những dục vọng xuất phát từ bản thân mà còn là những đòi hỏi được thèm muốn bởi kẻ khác, Freud đã nêu lên sự thăng hoa từ bản năng con người thể hiện trong quan hệ gốc giữa cha mẹ - con cái trong gia đình sang đời sống văn hóa xã hội. Đây không phải là một cẩm nang loại suy, nghiên cứu của Freud và hơn thế nữa tư thế khoa học cứng cỏi của ông đã đem đến cho nhân loại ánh sáng mới trên hành trình bao la tìm về tâm linh: nhìn vào bản thể bằng ý thức về vô thức!
Một phát biểu quan trọng tại hội thảo của giáo sư thần kinh học Shingu Kazushige cho rằng: “Tư tưởng của Freud đã trả lại Hiện Thực cho con người. Đó là những giá trị mà thời đại hôm nay đang trăn trở đi tìm trong không gian thực ảo của nền tin học internet”. Chưa đầy 3 tháng sau đó, ngày Chủ nhật mồng 8 tháng 6, giữa khu phố Akihabara sầm uất nhất Tokyo, tên sát nhân Kato Tomohiro đã tung xe và dùng dao đâm chết cũng như gây trọng thương 17 người mà y hoàn toàn không hề biết mặt. Sự nghiêm trọng của án mạng không chỉ ở mức độ tàn bạo, vô nhân của thủ đoạn ra tay bằng dao găm cận chiến, mà còn ở những lời khai bi đát của can phạm khi bị cảnh sát hỏi cung, đã hé mở góc phần tối tăm trong xã hội tin học và lệ thuộc vào tin học ngày nay: “buồn chán vì không có người yêu”, “bị coi thường trên mạng inernet nên phải giết người thật nhiều để những thằng coi thường này biết mặt!”, “cha mẹ chỉ là người dưng”.v.v…Đã có ngày Kato truy nhập để viết những dòng chữ vu vơ trên trang yết thị ảo của mạng vào khoảng trên 200 lần! Trong cô đơn thua kém ngoài đời, tên sát nhân đã tìm đến mạng ảo như một nơi chốn để giải tỏa u uất, ngờ đâu, y lại càng điên cuồng hơn vì những độc thoại vô vọng của mình hoàn toàn không nhận được sự phản hồi từ bất kỳ một người thứ ba nào. Cái gì đã khiến Kato trở nên 1 kẻ cuồng sát? Câu trả lời có thể sẽ được giải đáp sau quá trình thẩm định tâm sinh lý của nghi phạm. Điều không chối cãi được là chính những rối loạn trầm trọng trong đời sống bản năng đã đẩy y sa nhanh và ngập ngụa trong vũng lầy cô đơn của thế giới mạng. Một lần nữa, chúng ta lại có dịp suy nghiệm đến những vết dao giải phẫu mổ sâu vào tâm lý con người qua phát hiện tuyệt vời của Freud về bản năng và vô thức…và cũng lần nữa, chúng ta nhớ đến một nhà thơ Việt nam sống sau Freud một thế hệ, cho dù rất có thể đã không quan hệ nhiều đến những học thuyết vang lừng của ông bên trời Tây, nhưng những vần thơ, đúng hơn là cả một đời thơ của người nghệ sĩ ốm đau nghiệt ngã này đã minh chứng mạnh mẽ cho lý luận của Freud về sự thăng hoa bản năng nhục dục:
Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng
Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trổi
Để hớp tinh anh của nguyệt cầu
Và để thoát ly ngoài thế giới
Để cười, để trững, để yêu nhau.
    Giữa biên ải tột cùng của khổ đau và mất mát vì cơn bịnh ngặt nghèo, các xung động của cơn sóng dục tình đã vỗ dạt tâm hồn Hàn Mặc Tử đến với vầng trăng tình tự của ông, ở trong đó nhà thơ sống thành thật, sống mẫn cảm trọn vẹn với các tín hiệu từ vô thức thẳm sâu có đam mê cháy bỏng chảy lẫn giữa những dòng suối thánh thiện. Không ít nhà phê bình đã cho rằng thơ Hàn Mặc Tử đầy hoang tưởng và nhiều chất hư vô. Không sai, nhưng quả là quá thiết sót nếu không biết chiếu rọi bằng biện chứng pháp của Freud vào các phát sinh vô thức trong thi tưởng của nhà thơ. Tài hoa, tình ái, nhục dục, bạo bệnh, tuyệt vọng, khổ đau và sự cứu rỗi… tất cả những tố chất và mâu thuẫn của cuộc đời này đã choàng chiếm tâm hồn Hàn Mặc Tử, cho nên ông với tìm đến trăng cao, không phải là để chạy trốn, mà để giải bày, để “dò xem ý tứ” và để nhìn vào bản thể bằng ý thức về vô thức. Chính tại đây, ông thăng hoa vào những bài thơ siêu phàm để lại cho hậu thế.
Tôi đi trong ánh sương mờ
Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia
Xứ yêu bát ngát, tôi lìa
Dò xem ý tứ ban khuya, tôi liều
Bước chân vào thi đàn năm 21, mất năm 28 tuổi vì chứng phong hủi, cho đến hơi thở cuối, ông vẫn không ngừng sáng tác và cầu kinh. Cho dù trải qua những thăng trầm biến thể của cảm xúc, trước sau như một, Hàn Mặc Tử đã sống đầy sống thật với bản năng, với tự ngã cao đẹp của một nhà thơ. Nếu sự thăng hoa trong thi phẩm đã chứng minh khá nhiều cho lý luận của Freud, thì phong cách sống chống chọi không ngừng với cô đơn khổ lụy trong một thân thể xương da mục rữa hằng ngày của ông đã là một phản biện hùng hồn cho những kẻ tự đọa đày trong vỏ bọc của lòng vị kỷ khi thân thể vẫn còn thừa mứa sung mãn. Hung phạm Kato Tomohiro là một điển hình của một cuộc sống bản năng thiếu lành mạnh, từ chối hiện thực và chà đạp không nhân nhượng những giá trị xã hội đẹp đẽ bằng sự manh động ngu xuẩn. Nguy hiểm hơn nữa, loại tư tưởng người hùng sân khấu của hắn sẽ gây một tác động không nhỏ đến thời đại đang nơm nớp vì đại họa khủng bố hôm nay!

Cô Liêu
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai.
Buồm trắng phất-phơ như cuống lá
Lòng tôi bát-ngát rộng bằng hai.

Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ,
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ,
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng,
Rung tầng không-khí bạt vi-lô.

Ai đi lẳng-lặng trên làn nước,
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng,
Không nói không rằng nín cả hơi?

Chao ôi! Ghê quá trong tư-tưởng,
Một vũng cô liêu cũ vạn đời!
Chao ôi ghê quá! Chao ghê quá!
Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi!

Bẽn Lẽn
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.

Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẻn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em

Chơi Lên Trăng
Tôi đi trong ánh sương mờ
Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia
Xứ yêu bát ngát, tôi lìa
Dò xem ý tứ ban khuya, tôi liều

Tôi gò mây lại
Tôi tìm sao bay
Gió nào tràn ngập xứ này
Và tràn ngập cả những ngày xa xôi
Không trào nước mắt không thê thảm
Tôi dọa không gian, rủa tới cùng
Tôi khát vô cùng
Tôi riết thời gian trong nắm tay
Tôi vo tiếc mến như vo lụa
Cất tiếng cười ròn xao động vùng mây.
Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng
Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trổi
Để hớp tinh anh của nguyệt cầu
Và để thoát ly ngoài thế giới
Để cười, để trững, để yêu nhau.

Lên chơi cung Quế lần đầu
Ôi phép lạ, ôi nhiệm màu
Vườn tiên sáng láng như lòng người thương

Hàn Mặc Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét