LTS: Huỳnh Vi Sơn là bút hiệu khá quen thuộc trên các trang báo Hiệp hội từ ngót 20 năm qua. Tính chất trẻ trung và tươi tắn ngay từ các dòng sáng tác văn thơ nhạc đầu tiên đã dấy lên một hiện tượng văn nghệ không riêng tại Nhật bản mà còn lan rộng sang các châu lục khác. Do nhu cầu của tờ báo cộng đồng và cũng nhờ ở sự đa tài thiên phú, Huỳnh Vi Sơn mau chóng trở thành những “nghệ sĩ báo chí”, xông xáo trên mọi lãnh vực viết lách, cho ra đời nhiều trang báo ấm vui lòng người đọc.
Hình như là Socrates, đã ví tình bạn như ánh mặt trời! Một người bạn thân giúp cho cuộc sống chúng ta ?thêm ?sắc màu? và chất liệu ý nghĩa, huống chi trong hoàn cảnh tha hương, người bạn đó nhiều khi qúy hơn ruột thịt. Cho dù đó đây trong bài viết sau đây, chúng ta có thể hình dung được những khoảnh tối đè nặng tâm hồn buồn bã khi bỗng dưng phải chia tay người bạn “nối khố”, tác giả đã nhiều lần nhắc đến ngọn lửa lý tưởng nhiệt thành thắp sáng tình bạn này trước khi kết thúc bằng câu văn mở ra mênh mang hoài cảm: “lại phải đi một mình trên cuộc lữ trần gian còn vô định”. Xin thưa với tác giả rằng, ngọn lửa ấy trước khi hòa nhập với muôn phương, vẫn đang còn được hun thổi ít ra là bằng những trang báo như thế này đến với tay độc giả hằng tháng. Và cũng xin chúc bạn Vi đất lành chim đậu, trên cuộc lữ vô định của đời này, trong nắng, trong gió bạn sẽ luôn đón nhận những âm vang của bằng hữu chúng tôi như câu thơ thật hay của bài viết:
Ta cho nhau một thời
Để có nhau một đời
…nhé bạn!
Cõi đi về
Lão Sơn xuống Osaka, gọi tôi, thằng Vi và thằng em Nhí ra ngoài quán tâm sự. Lão rời thành phố này dễ có gần 20 năm. Cứ vài ba năm, nhân dịp lão đi công tác xuống miệt dưới tụi tôi lại có dịp gặp gỡ bù khú, ôn lại những kỷ niệm xưa.
25 năm trước, lão Sơn chỉ trạc 25 tuổi; lớn hơn tụi tôi chừng vài ba tuổi nhưng đã coi chững chạc lắm rồi; có lẽ thời thế đưa đẩy đã tạo cho lão có cái vẻ của một người lãnh đạo cộng đồng. Lão truyền cho chúng tôi nhiệt huyết ban đầu và cứ như thế một cộng đồng tích cực của người Việt ở vùng miền Nam nước Nhật hình thành. Tuy nhiên sau đó, như một người cầm đuốc thế vận, lão lên miền Đông rồi ra ngoài xứ Phù Tang để tìm những người mới trao đuốc; rất đông người nhận đuốc từ tay lão, có ngọn tàn rụi theo thời gian, có ngọn vẫn ráng lập lòe, có ngọn cháy rực…
Tôi là Huỳnh, cùng thằng Vi với lão thành cái tên Huỳnh-Vi-Sơn trong lúc tình cờ nghêu ngao sáng tác một bản nhạc phổ thơ Bắc Phong. Từ đó vô hình chung, những sáng tác riêng của tôi hay thằng Vi đều dùng tên này cho tiện.
Sau vài hớp bia, thằng Vi chợt buông câu:
-Tôi đi Úc, đi luôn… không gia hạn thêm visa ở Nhật, đếch thèm chơi với mấy thằng lùn khó tính này nữa…
Chơi với nhau 26 năm từ lúc đến Nhật, ở với nhau mười mấy năm thời còn độc thân. Câu nói của hắn làm tôi chới với! Lão Sơn cũng hụt hẫng chẳng khác gì tôi. Chỉ có thằng em Nhí, nó đã có “thẻ xanh” thẻ đỏ gì đó ở Úc thì đã biết trước chuyện nên tỉnh rụi.
Có thể nói, thằng Vi là thằng bạn thân duy nhất của tôi còn sót lại ở thành phố này. Hắn cùng tuổi với tôi. Hai thằng gần như cùng chung các sở thích như chơi nhạc, thể thao, tán dóc chuyện văn chương, thời thế. Trong ban văn nghệ Hiệp Hội, những lần trình diễn tôi và hắn như hình với bóng. Ban nhạc tụi tôi thuộc loại lười và không có thì giờ tập dợt, tuy nhiên những bản nhạc nào, hợp âm rơi tới đâu thì chúng tôi xuống trúng phóc tới đó. Còn các bài tường thuật thể thao, khác với tôi thích ngắn ngọn vắn tắt, hắn thì lại có tài vẽ hoa thêu gấm một trận đấu chẳng khác gì chuyện chưởng Kim Dung.
Ngoài văn chương, âm nhạc, thằng Vi còn chia sẻ với tôi những tai họa hay hạnh phúc trong đời sống. Hai thằng từng bị tung xe lăn long lóc trên đường phố nhưng chỉ bị thương sơ sài. Ngày đám cưới của tôi, hắn dọn nhà ra ở riêng nhường lại căn chung cư cho vợ chồng tôi ở mặc dù thời còn độc thân hai đứa đã ra thông cáo là đứa nào lấy vợ trước chịu khó ra khỏi nhà! Khi đứa con tôi ra đời, bác sĩ cho biết phải khám nghiệm kỹ chứ không chừng tuyến giáp trạng của con bé không sản sinh ra được hormon phát triển. Ngày thông báo kết quả thử máu, tôi nhờ hắn đưa vợ con tôi đi vì không thể nào nghỉ việc và tâm trạng thì vô cùng bối rối lo âu. May mắn là con bé bình thường. Năm ngoái, lúc bác sĩ tuyên bố tôi bị chứng bệnh nan y tưởng khó qua khỏi thì hắn hằng ngày đến bệnh viện giúp tôi bình tĩnh lạc quan yêu đời hơn, để rồi tôi vượt cơn bệnh một cách kỳ diệu.
Chẳng bao giờ tôi nghĩ là hắn và tôi phải xa nhau, vậy mà tới lúc hắn tuyên bố bỏ xứ ra đi. Đột ngột, không khác gì ngày xưa thằng bạn của hai đứa là L. Thao về nước chiến đấu. Lúc đó, Thao chỉ nghĩ tới một chốn đi về đích thực, Phù Tang này chỉ là đất tạm dung. Cho đến bây giờ dù nhà nước cộng sản VN đã cho về đó, nhưng thằng Vi vẫn quyết chí không về mặc cho bà mẹ già trên 80 tuổi đang mỏi lòng chờ con. Cõi đi về theo đúng nghĩa của hắn phải là nơi chốn không còn áp bức và bất công.
Chúng tôi, Lão Sơn, thằng Huỳnh, thằng Vi cùng những người bạn khác đã từng một thời sát cánh với nhau để tìm một cõi đi về. Những người bạn gắn bó đến mức:
Ta cho nhau một thời
Để có nhau một đời.
Trên bước đường dài đó, có lúc tôi và bây giờ đến lượt thằng Vi phải nghĩ tới người đã…
Ta chờ nhau một thời
Để có nhau một đời…
Thằng Vi đi Úc. Như L. Thao ngày xưa, hắn không muốn ồn ào từ giã anh em.
Khi những dòng chữ này lên trang Hiệp Hội, có lẽ hắn đã bình yên đáp xuống một nơi nào đó của xứ sở Kangaru. Hắn đã nhiều lần giúp tôi viết bài đăng báo những lúc tôi bị kẹt thì bây giờ tôi thay hắn để gởi lời chia tay tới những người bạn Okinawa thân thiết một thời như Hảo, Vĩnh… những người bạn trong ban văn nghệ như Đạo, Khiết; những anh em của cứ điểm hậu phương Hikone v.v…
Tôi rời quán trở về một mình, để lão Sơn ở lại với Vi. Chắc lão đang thuyết phục hắn qua Úc tiếp tục giữ lửa. Đối với tôi, ngọn đuốc đấu tranh nào cũng là đuốc; miễn sao cõi đi về trong tương lai sẽ tràn ngập ánh đuốc đủ màu từ muôn phương.
Chợt sao thấy lòng mình thật trống vắng. Hai mươi mấy năm xưa, có bao giờ nghĩ rằng mỗi đứa trong chúng ta sẽ rồi có một mái ấm gia đình, nhưng có lúc lại phải đi một mình trên cuộc lữ trần gian còn vô định.
Huỳnh Vi Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét