Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

LTS. Tuổi thọ trung bình của người Nhật lại được tăng lên kỷ lục, tiếp tục dẫn đầu thế giới trong tháng qua với nam 79,19 tuổi và nữ 85,99 tuổi. Thoạt tiên đây là một tin vui vì đã chứng tỏ sự phát triển của y học về cả chữa trị chuyên sâu lẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu trong hệ thống y tế cộng đồng. Tuy nhiên, do dân số đang giảm xuống nhanh chóng, tỷ lệ người già gia tăng sẽ là một gánh nặng tài chính không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách phúc lợi xã hội. Tạm để qua một bên những mừng lo đó,
Trang văn nghệ xin mạn bàn vào một chi tiết của con số thống kê nêu trên: sự chênh lệch của tuổi thọ giữa nam và nữ. Tại sao? Phải chăng vì đàn ông rượu chè be bét, hút sách quá độ hoặc ăn uống vô chừng? Hoặc là do lao động nặng nhọc, do đè nén tinh thần, hay là bị hành hạ đủ điều? Có thể đây là một trong những lý do để đàn ông “đi” trước phụ nữ một bước. Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chính. Không riêng gì Nhật bản, mà là bất kỳ nơi đâu trên thế giới, trong mọi môi trường và điều kiện khác nhau về khí hậu, sinh hoạt ẩm thực, phong tục tập quán hoặc xã hội văn hóa: đàn ông vẫn không thể nào sống lâu hơn đàn bà. Xưa nay, các đấng mày râu vẫn thường thị võ dương oai, lấn lướt chị em, hành động này phải chăng là để khỏa lấp một bản năng yếu kém hơn về mặt sinh học: mau già chóng chết!
Thống kê của Bộ Y tế Nhật bản cũng cho biết thêm rằng tỷ lệ đàn ông chết vì các chứng nan y như ung thư, rối loạn tim mạch, nhồi máu não, đột quỵ đều cao hơn đàn bà rất nhiều. Phổi của đàn ông cũng dễ bị vi trùng xâm nhập, các chứng tê thấp phù thủng, thoát vị cột sống, rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn mô xuất hiện ở đàn ông gấp 2 lần. Chỉ có tỷ lệ chết vì già yếu là đàn bà hơn hẳn: dễ hiểu thôi, chỉ vì họ sống lâu hơn đàn ông! Không những dễ chết vì các loại bệnh truyền nhiễm hoặc do rối loạn của các cơ quan, tỷ lệ đàn ông mắc bệnh tâm thần, tự sát…vẫn dẫn đầu đàn bà. Không còn chối cãi gì nữa, đứng về mặt sinh học, đàn ông dễ chết hơn đàn bà. Nếu sống thêm đôi trăm năm nữa, có lẽ thay vì nói: Frailty, thy name is woman! (Ôi đàn bà, sao mà yếu đuối thế!) trong vở kịch Hamlet lẫy lừng của mình, Shakespeare chắc sẽ phải sửa lại thành: Frailty, thy name is man!
Đến đây, chúng ta nhận ra điều nữa là trong cùng một điều kiện giáo dục, số lượng các nhà thơ, nhà văn nam có lẽ nhiều hơn phụ nữ, đó là chưa kể đến nhiều ngành nghệ thuật khác nhau cũng đã dung nạp một tỷ lệ nghệ sĩ nghiêng hẳn về bên nam giới. Liệu có gì liên quan giữa sự yếu kém về tuổi thọ sinh học và sự nhạy cảm thiên phú của một người nghệ sĩ hay không? Đề tài này chắc cần phải có 1 nghiên cứu tổng hợp và nghiêm chỉnh. Tương phản với tính chất cương cường và bạo liệt, ở đâu đó trong tâm hồn đàn ông vẫn chập chờn một khoảng trống của tình cảm yếu mềm.
Tháng 10 heo may lại đến, những câu thơ xao xuyến lịm người trước màu trời mang mang u hoài “nhuốm màu quan san”này, tự cổ chí kim, phần lớn được viết ra bởi những thi sĩ nam nhi.
Thơ mới tiền chiến Việt Nam là một phụ lưu đáng kể trong giòng chảy lãng mạn này của thế giới với sự góp mặt đông đảo của cả một thế hệ thơ nhiều tên tên tuổi và đã để lại trong kho tàng văn học nước nhà một dấu ấn sâu đậm về cả phẩm lẫn lượng. Lưu trọng Lư là một trong những tên tuổi đó:
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô ?
    Sau thời kỳ lãng mạn này, văn học đã trở thành công cụ tuyên truyền. Các nhà thơ sau khi bị chủ nghĩa cộng sản nhồi sọ đã nặn ra những bài viết ngô nghê, mâu thuẫn một cách khôi hài với khuynh hướng sáng tác trước đây của mình. Xin tạm bỏ qua tranh luận về nghệ thuật và nhân sinh, nếu đòi hỏi đầu tiên của một tác phẩm là phải nói lên sự thật, chỉ có sự thật mới làm tác phẩm đó bất tử trước thời gian, thì có lẽ một nghìn năm sau nữa những người yêu thơ Việt chỉ rung động và chỉ có thể biết đến Lưu trọng Lư qua tác phẩm Tiếng Thu và các sáng tác tiền chiến của ông mà thôi. Các bài viết sau này dưới chế độ cộng sản hình như ít ai màng quan tâm và đang dần bị quên lãng.
Em không nghe mùa thu,
Dưới trăng mờ thổn thức ?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ ?
Sẽ có người thắc mắc là tại sao những câu thơ mênh mang huyền ảo như thế lại cứ mãi vương vấn, đọng hoài trong tâm hồn người đọc và sống qua rất nhiều thế hệ ? Trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết, chúng ta chưa có dịp để trao đổi và bàn luận nhiều hơn, chỉ biết rằng tiếng lá khô nai vàng, hay những thổn thức rạo rực chinh phu và cô phụ, phải chăng là những âm thanh khai mở chúng ta xuôi miền quá khứ, đi vào kho tàng sâu thẳm của vô thức để sống giữa những lằn ranh của mộng và thực.
Tin cựu thủ tướng Nhật bản Koizumi tuyên bố từ bỏ chính trường vào cuối tháng qua cũng đã làm xôn xao dư luận. Là biểu tượng sáng chói của công cuộc cải tổ vĩ đại nhất trong lịch sử chính trị Nhật bản từ sau đệ nhị thế chiến, ông được coi là nhà lãnh đạo có cá tính lạnh lùng với cuộc sống đời thường rất đỗi cô độc. Cải tổ đảng LDP bằng sự thách thức trực diện các thế lực rào cản, giải tán hạ viện lập tức để trưng cầu dân ý về chính sách tư hữu hóa hệ thống bưu điện, triệt để giải quyết nợ xấu để ổn định hóa thị tường tín dụng đưa kinh tế vượt thoát nguy biến giảm phát, mặt khác, trên chính trường quốc tế, ông kiên quyết ủng hộ chính sách tiêu diệt khủng bố bằng liên minh chặt chẽ với tổng thống Bush và đã để lại một hình ảnh lẫm liệt trong 2 lần ngoại giao xông pha tại Bắc Triều tiên giành lại những con dân Nhật bản bị bắt cóc. Đa số người Nhật tự hào về 5 năm 5 tháng cầm quyền đó. Giờ đây ông ra đi. Giới quan sát cho rằng cựu thủ tướng sẽ du hành sang Ý đại Lợi để đắm chìm trong các câu hát kịch opera vốn là sở thích của mình. Ông đặc biệt say mê vở Đôn-ki-hô-tê (Don Quixito) nói về một hiệp sĩ nghèo suốt đời hành hiệp cho những giấc mơ hư ảo. Koizumi nguyên vẹn vẫn là một người đàn ông, đầy cương cường, bạo liệt mà cũng không kém phần mộng mơ phù phiếm, như 1 câu thơ của Lưu trọng Lư:
Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.
 

Tiếng Thu

Em không nghe mùa thu,
Dưới trăng mờ thổn thức ?

Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ ?

Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô ?


Một mùa Đông

I
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.

Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.

Để mặc anh đau khổ,
ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!

II

Em là gái trong khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời;
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ?
Cho mộng tràn gối chăn?

III

Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau.

Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.

Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa,
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.

IV

Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.

Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.


Mưa...mưa mãi

Mưa mãi mưa hoài!
Lòng biết thương ai!
Trăng lạnh về non không trở lại...

Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài!
Nào biết nhớ nhung ai!

Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân!
Mộng vàng không kịp hái.

Mưa mãi, mưa hoài!
Nào biết trách ai!
Phí hoang đời trẻ dại.

Mưa hoài mưa mãi!
Lòng biết tìm ai,
Cảnh, tưởng đầy nơi quan tái.

Lưu trọng Lư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét