Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009

LTS: Cánh tay của nhạc trưởng Akiyama tại thính phòng Suntory hall trong ngày đầu năm 2008 buông xuống mạnh dần rồi chợt dừng lại sâu lắng trước khi kết thúc buổi trình tấu bài giao hưởng Sinfonia Domestica “mái ấm gia đình” của nhà soạn nhạc Richard Strauss. Không ít khán giả ra về trong cảm hoài miên man với những dòng âm mà Strauss đã có thể viết ra từ biết bao trăn trở hỗn mang bởi cuộc cách mạng kỹ nghệ bùng phát vào trước thế kỷ 20.
Hai chủ âm tương phản Si và Fa tượng trưng cho những bất trắc trong mâu thuẫn vợ chồng được diễn tả khéo léo qua các nhịp violon thấp thỏm ở phân đoạn đầu để sau đó dần dần đan nối thuận hòa trong tiếng kèn ô-boa khoan thai tại chủ âm Re trung gian, tượng trưng cho đứa con, là kết hợp cao đẹp nhất của tình yêu vợ chồng. Thông điệp mà Strauss muốn gửi lại không gì khác hơn một bức tự họa về cuộc sống trong xã hội không ngừng biến động mà gia đình chính là nguyên bản, cũng vừa là điểm tựa đầu tiên.
Cuộc cách mạng tin học ngày nay đã mang lại những thành tựu và đóng góp không chối cãi. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn là những hệ quả quay quắt đang làm say sứt các giá trị khác. Một trăm năm trước, công nghiệp điện lực và động cơ hơi nước đã khiến những nông dân trẻ tuổi bỏ quê lên tỉnh, cắt đứt ràng buộc liên lụy với thôn làng quê cha đất tổ, và người ta ví rằng công nghiệp đã giết chết chữ Hiếu là vì vậy. Trong chiều hướng ngược lại, tiến bộ tin học ngày nay giúp xoa dịu khỏang cách vật lý đó nhưng cũng đồng thời hình thành một nguy cơ mới mà nhà bình luận Sakai Makoto trong tiểu luận Heiseijin “tuổi trẻ thời Heisei” cho rằng sẽ san bằng mọi quan hệ con người trong xã hội. Những thông tin nặc danh chớp nhoáng trên internet, những dòng thư vội vàng trên điện thoại di động là một trong những nguyên nhân khiến con cái với cha mẹ, thầy với trò dần dà đối xử ngang nhau như bạn bè. Sakai tiếp tục lo lắng: sự “phẳng hóa” trong quan hệ con người sẽ không giúp giải quyết các mối bất an của thế hệ trẻ ngày nay do tránh né va chạm và thố lộ các tình cảm chân thực như trước đây. Chính vì coi ngang nhau nên sẽ thiếu sự dạy bảo tâm huyết, có chăng chỉ là an ủi qua loa, như mơn trớn một vết thương, và như thế, tuổi trẻ sẽ lớn lên trong những bất an không được giải quyết từ gốc rễ. Các án mạng sát hại người thân ruột thịt gần đây của thanh thiếu niên là dấu hiệu dự báo của cơn khủng hoảng giềng mối gia đình đang có nguy cơ tán phát này. Một không gian ngập ngụa thông tin tưởng chừng vui nhộn quá đỗi này có ngờ đâu lại chính là nơi dung túng những nỗi niềm cô đơn cùng quẫn nhất. 
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng.
Ôi! Chị một em, em một chị,
Trời làm xa cách mấy con sông.
Kính thưa bạn đọc, Tết lại đến. Trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta thấm thía hơn hương vị ấm áp của một mái gia đình và lòng lại trĩu nặng tâm sự đời tha hương. Ngay trên cùng một đất nước, nhà thơ Nguyễn Bính cũng đã mang tâm trạng xa quê bồn chồn như thế trong độ Tết về, huống chi là chúng ta, đang cách biệt cả một bờ đại dương.
Chén rượu tha hương càng đắng lắm
Trăm hờn, nghìn giận, suốt mùa đông.
    Chén rượu đắng và những giận hờn trong cô đơn lưu lạc của Nguyễn Bính là nỗi buồn có duyên cớ, nói lên khao khát đoàn viên dưới mái ấm một gia đình. Không có nó, chúng ta không thể nào có được một Nguyễn Bính tài hoa với những vần thơ thôn dã giản dị thấm thẳng vào lòng người như thế. Đó là nỗi cô đơn có hình dạng rất dễ cảm thông so với những u uất khó hiểu xuất hiện ngay trong một gia đình của thời đại “phẳng hóa” hôm nay.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng.
    Điệp khúc này của bài thơ có âm hưởng như một món quà Xuân, cho dù gói ghém cõi lòng trăm mối ngổn ngang của tác giả vẫn tỏa lan một tình cảm ấm áp đến quê hương, gia đình, đến người yêu ngăn cách khiến bài thơ dợn sóng liên tục tại điệp khúc này. Đến đây chúng ta ghi nhận thêm một điều: thơ Nguyễn Bính hay chính là nhờ ở hàm lượng tình cảm phong phú trong tâm hồn ông. Bàng bạc trong thơ là nỗi hoài niệm không nguôi về những giá trị truyền thống
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
 Bản giao hưởng Sinfonia Domestica được viết cách đây 100 năm cho đến nay vẫn giữ mãi thông điệp tinh khôi của nó có lẽ cũng nhờ Richard Strauss đã lồng ghép vào trong từng khuôn nhạc những hoài niệm về một mái gia đình ước mơ giữa xã hội đang băng mình vào quỹ đạo khô khốc của những cỗ máy vô hồn!

Xuân tha hương

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng.
Ôi! Chị một em, em một chị,
Trời làm xa cách mấy con sông.
Em đi dang dở đời sương gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương càng đắng lắm
Trăm hờn, nghìn giận, suốt mùa đông.
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuông
Nhớ chị làm sao! Nhớ lạ lùng!

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng.
Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở
Chị vẫn môi son, vẫn má hồng ?
Áo rét ai đan mà ngóng đợi,
Còn vài hôm nữa hết mùa đông.
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng.
Thiên hạ đua nhau mà sắm tết
Một mình em vẫn cứ tay không.

Ai bảo mắc duyên vào bút mực.
Sống đời mang lấy số long đong
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viễn vông.

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng.
Cố nhân chẳng biết làm sao ấy
Rặt những tin đồn chuyện bướm ong.
Thôi em chẳng dám đa mang nữa
Chẳng buộc chân vào sợi chỉ hông
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc
Chắp nối nhau hoài cũng uổng công...

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng.
Cầu mong cho chị vui như Tết
Tóc chị bền xanh, má dậy hồng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
"- Xa nhà, rượu uống có say không?".

Chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi ?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ?
Nào đâu cái áo tứ thân ?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Nguyễn Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét