Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

LTS: Rằm Trung Thu tháng 8, nhưng trời Tokyo cứ mãi vần vũ. Cơn mưa dầm dề, đột ngột sau mùa Hè nóng kỷ lục trên 100 năm qua tại Nhật Bản đã khiến cho không ít người tiếc rẽ vì đã bị mất đi một dịp tiêu khiển ngắm trăng thanh tao.
Trong tiếng Nhật, từ ngữ Trung Thu Danh Nguyệt để chỉ ánh trăng sáng đẹp nhất trong năm giữa lúc thời tiết giao mùa, khí trời bắt đầu mát dịu. Matsuo Basho, một đại thi hào Haiku Nhật Bản cũng đã có nhiều vần thơ nói về ánh trăng làm say đắm vô số cõi lòng nhân thế này, sau đây là một trong những tuyệt cú đó:
Meigetu ya
Za ni utsukushiki
Kao mo nashi
Tạm dịch
Nhìn trăng rồi chợt nhìn đời
Khách hồng nhan hỡi đâu người tri âm
    Thơ Haiku là thường được ví tựa bức tranh thủy mặc. Trong đó, chuyển biến nội tâm, tình cảm của họa gia được thể hiện qua các nét đậm nhạt chớp nhoáng. Thử đi vào một số chi tiết của bài thơ trên để có thể hình dung được sự tỏa lộng đầy chấm phá cách điệu của tứ thơ.
Meigetu ya: này trăng sáng ơi, có tác dụng như lời cảm thán trước vầng trăng tượng trưng cho thế giới ảo mộng. Qua câu 2 thì không gian thơ đã thoắt chuyển sang thực tại với Za ni utsukushiki: người đẹp trên đời này. Câu 3 có âm hưởng của một lời thở than vang dài từ thế giới nội tâm cũng như ngoại cảnh chuyển biến rất nhanh trong những câu trên, Kao mo nashi: làm sao gặp mặt. Chưa kể đến cách gieo vần khắng khít, tài tình, tứ thơ đi từ trời cao rồi về lại cuộc đời để sau đó lắng sâu vào cô đơn mênh mang đã phần nào thể hiện được tài hoa thần diệu của thi hào Nhật Bản này. Chỉ với 17 âm tự, nhưng mỗi bài thơ Haiku thành công đều khai thông một cảm xúc tinh khôi dâng lên trong lòng người đọc. Thơ Haiku hay phải là một bài thơ mở ra "nghìn thế giới".
    Trở lại với đề tài trăng, là một đề tài thơ ca đã có từ ngàn xưa. Người yêu thơ ít ai không biết đến hai câu sau đâu của Lý Bạch:
Cử đầu vọng sơn nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
    Ngẩng và cúi, nhìn và nghĩ, trăng và quê hương. Chỉ với 3 cặp từ đối xứng, Lý Bạch, nhà thơ say và phóng dật bậc nhất thiên hạ đã để lại trong chúng ta nỗi ngậm ngùi muôn thuở mỗi khi nghĩ về quê cũ xa vời. Thơ ông, tại đây mang hình ảnh của sự cúi xuống để rồi trầm tư mênh mang. Cúi xuống để từ đó mở ra một biển trời thương nhớ.
    Đồng thời với Lý Bạch, một du học sinh người Nhật tại triều đình nhà Đường, Abe Nakamaro (698 - 770), sau 53 năm ly biệt xứ người cho đến cuối đời vẫn không trở về được quê cũ Nara của mình vì sóng dữ đại dương đã phá hỏng các chuyến hải hành hồi hương. Trong một đêm nhớ quê, ông đã cảm tác bài thơ rất nổi tiếng sau đây:
Amanohara
furisakemireba
kasukanaru
mikasanoyamani
iteshitsukikamo
tạm dịch:
Nhón trông xa thẳm biển trời
Tưởng chừng trăng cũ chơi vơi quê nhà.
    Bài thơ đã được nhiều nhà phê bình Nhật Bản nghiên cứu theo nhiều góc độ khác nhau từ sử học, tu từ học cho đến bối cảnh tâm lý, chính trị...để có thể hiểu hơn về nhân vật lịch sử ly kỳ này. Tuy nhiên, chỉ riêng về mặt câu từ và ý tưởng thì phần lớn đều đồng ý rằng động từ furisakemireba: nhón trông, là hình tượng chủ đạo của ý thơ mang tình cảm nhớ quê này. Nhón trông thường chỉ để dành khi cố ngắm hoặc dõi theo một vật thể nhỏ bé nào. Ở đây là nhón trông vào biển trời: Amanohara. Thơ đi từ ánh mắt, tỏa vào cao rộng rồi hội tụ về lại trong ánh trăng hoài niệm của buổi thiếu thời. Từ điểm sang diện rồi hội tụ về điểm. Cũng tại đây thơ gợi mào một nỗi nhớ mênh mông lan tỏa trùng dương. Chợt nhìn của Basho, Ngẩng đầu của Lý Bạch và Nhón trông của Nakamaro là những động từ đại diện cho các tư thế văn học trước bóng nguyệt đẫm đầy huyền thoại. Ánh trăng cô liêu đó dõi chiếu vào nỗi đơn chiếc cố hữu trong lòng người nghệ sĩ để từ đó mở ra các chân trời hoài niệm. Bài thơ Trăng Nghẹn sau đây của Hoài Tường Phong bằng một thi pháp khác biệt nhưng cũng đã dung nạp không kém tác dụng đó. Nếu ánh trăng của thơ xưa đã lồng lộng mở ra cảnh giới của ý niệm thì thơ nay đóng lại trong xoay sở nhỏ bé của phận người chật vật. Trăng gắn bó cùng số phận hiu hẩm đó của con người, ở cùng người, đau đớn cùng người và do đó trăng nghẹn lại cũng vì người, những con người của:
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
    Cho dù không mang lại cho chúng ta nét phiêu hốt như Basho, trầm tư như Lý Bạch, miên viễn như Nakamaro, tuy nhiên bài thơ đó, lần đầu tiên trong tiếng Việt, đã tài tình áp sát ánh trăng huyền thoại đi vào hiện thực để khóc cười cùng biết bao phận đời cay mặn.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
    Dù bài thơ này đã được Ban Giám Khảo chấm giải Nhất cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đã bị cơ quan văn hóa thành phố Cần Thơ yêu cầu chọn lại bài khác vì một lý do cực kỳ ấu trĩ : "Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được" !?! Chưa thấy một nước nào trên thế giới lại có cái chính sách kỳ cục là bắt buộc mọi người chấp nhận trăng phải sáng và rất trong sáng! Nếu mà là Galilei, khi bị đối chất như thế chắc tác giả Hoài Tường Phong sẽ trả lời rằng: "Tuy nhiên nó vẫn nghẹn". Và do đó dù đã khép lại trong ánh trăng nghẹn mờ, chính tại đây thơ mở ra cho chúng ta biết bao là thao thức. Vâng, như đã trình bày, một bài thơ hay, phải là một bài thơ mở ra "nghìn thế giới".


Trăng Nghẹn

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Hoài Tường Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét