Lời giới thiệu của người dịch Chân Phương: Thế giới, đặc biệt người dân các nước lâu nay bị tước đoạt quyền tự do chính trị như Việt Nam, Cu Ba, Trung Quốc, Syria…,đang chứng kiến từng giờ ngày tàn của chế độ Kadhafi. Động cơ nào đã thôi thúc những thường dân Libya, cũng như thường dân khắp nơi trên trái đất này vốn chỉ muốn sống yên lành và tránh né việc giết chóc,trỗi dậy lao vào cuộc chiến đấu mất còn với bạo lực độc tài? Xin giới thiệu bài viết sau đây của Ibrahim Al-Koni, một nhà văn hàng đầu của thuộc bộ tộc touarék hiện sinh sống ở Thụy Sĩ, qua những dòng chữ thống thiết và cô đọng khả dĩ lôi cuốn người đọc vào cuộc khởi nghĩa có lẽ trọng đại nhất trong năm 2011 này.
Tôi xin phép kể một câu chuyện có giá trị tiêu biểu để làm chứng cho hiện tình đang diễn biến tại Lybia: câu chuyện về một doanh nhân đã bị cô lập cùng với gia đình trên một nước lân cận là Tunisia sau các biến động vừa qua. Trong nỗi khao khát muốn hành động để giúp ích cho cuộc cách mạng rửa nhục (la révolution-du-lavage-de-la-honte), ông ta không thể làm gì khác ngoài việc trợ cấp tài chính cho việc thuốc thang chăm sóc những người bị thương trong cuộc nổi dậy đã được bí mật đưa qua biên giới để khỏi phải rơi vào các bệnh viện nội địa nơi họ sẽ bị bọn tay sai của chế độ sát hại không nương tay.
Nhưng hành động tiêu tiền để lo cho những kẻ chịu thương vong vì chân lý vẫn chưa đủ theo quan điểm của ông ta nhất là khi hấp lực của cuộc chiến đấu mà ông cảm nhận được qua tiếp xúc với các người bị thương cùng nhóm khởi nghĩa bảo bọc họ cũng đã lây qua ông. Chính mắt ông đã chứng kiến họ trút hơi thở cuối cùng trong hạnh phúc, hay đúng hơn trong niềm cao hứng tuyệt đỉnh mà người dân Libya đã quên mất từ ngày họ bị biến làm con tin của một chế độ đã cắt lìa họ khỏi chính bản thân, khỏi tổ quốc và phần còn lại của thế giới.
Con người nói trên thỉnh thoảng gọi tôi để bình luận về tin tức cuộc chiến và trao đổi quan điểm về những gì đang diễn tiến. Mỗi lần như thế ông thố lộ với tôi nỗi cay đắng khi nhìn thấy sự chậm chạp của tiến trình giải phóng, theo ông ác mộng càng kéo dài thì các nạn nhân vô tội càng tăng. Tôi luôn luôn cố gắng tìm cách an ủi ông ta bằng cách dựa vào cái lô-gích của sự vật vẫn nhắc dạy chúng ta rằng sự trừng phạt của định mệnh trước sau gì cũng phải đến. Nhưng lập luận này không làm cho ông hài lòng.
Thế rồi cách đây vài tuần ông ta gọi tôi cho biết ông đã quyết định sống với niềm hạnh phúc giống như những người khởi nghĩa bị thương bằng cách kín đáo trở về Libya để gia nhập mặt trận. Và khi tôi nói vặn lại rằng bỏ tiền chăm lo cho những kẻ chịu thương vong vì chân lý cũng là tham gia mặt trận, ông ta đã cười nhạo tôi vừa cho tôi biết là ông đã cố tự thuyết phục cả trăm lần với ý nghĩ đó nhưng mà lương tâm ông – thứ phép lạ Đấng Trên Cao đã đặt trong trái tim con người … – đã gạt bỏ lập luận này, do đó ông chỉ còn cách là phải chạm mặt với thực tế nếu muốn biết cõi thiên đàng mà ông được nhìn thấy trên mặt những người bị thương khi họ trút hơi thở cuối cùng, cõi thiên đàng yêu cầu ta phải cầm súng giữa lòng đất nước thiêng liêng.
Tôi xin ông cho tôi một ngày để suy nghĩ.
Tôi xin ông ta chút trì hoãn không chỉ vì tôi quí mến ông mà bởi vì ông là một kẻ tri kỷ gần với tôi hơn là chính cả tôi xuyên suốt tất cả những năm thử thách này; với lại mang số mạng ra làm trò đùa một cách bốc đồng như thế chẳng phải chuyện chơi.
Tôi đã đi tìm tia sáng trên các triền rẫy núi Alpes. Tôi đi vấn ý thiên nhiên, biết rằng bà mẹ hiền minh này chưa từng một lần phản bội tôi. Ở đó, giữa những khoảng không vô cảm và sự tịch mịch nghiêm khắc, tận đáy ký ức trỗi dậy lời dạy tôi vẫn luôn luôn yêu quí của Kant mà tôi đã quên mất như tất cả bùa chú đáng lẽ chúng ta phải ghi tạc vào lòng:
“Chúng ta không đến với thế gian để tìm hạnh phúc, chúng ta đến để làm bổn phận.”
Bổn phận! Đây rồi phần thiếu hụt trong bộ trường thiên của hạnh phúc; đây rồi câu thần chú mở ra trái bầu tiên; đây rồi lời tiên tri cổ kính nuôi dưỡng nghi thức nghiêm trang của niềm tin.
Tôi quay về trao cho ông lời chỉ dạy theo cách diễn ngôn của nhà triết gia môn đồ của thiên nhiên ấy, tất nhiên tôi thấy cần phải thêm thắt một chút gì của mình vào thông điệp này sao cho nó được thuyết phục hơn. Tôi bảo cho ông ta điều đó có nghĩa rằng: nếu như chỉ tìm hạnh phúc mà không hoàn tất bổn phận là điều khốn nạn, thế thì hy sinh hạnh phúc để chu toàn bổn phận của mình là cực điểm hạnh phúc.
Ông bạn thích cách diễn giải này, cũng như mọi lần chúng tôi ngồi lại với nhau để hưởng lạc thú đàm đạo, thực hành nguyên tắc Platon – ông hoàng của đám tiên tri – rằng trên đời này không có hạnh phúc nào sánh bằng được trò chuyện với một bạn hiền.
Còn thêm một lẽ khiến ông ta thích cách diễn giải này: cũng như tất cả những ai được ân huệ thần linh ban cho sự hiền minh mà không tặng kèm khả năng phát biểu nó thành ngôn từ, ông ta khó thể diễn tả nên lời các tư tưởng của mình.
Chúng tôi chuyện trò dông dài về bổn phận cho đến lúc ông bạn báo cho tôi biết là ngày mai ông sẽ làm cuộc “lữ vong” (exode); ông nói lữ vong không có nghĩa rời bỏ đất nước ra đi sau khi thua bại trong chiến đấu mà là cuộc lữ đưa ta rời chốn lưu đày để giành lại tổ quốc bị lưu đày; cuộc lữ vong hay đúng hơn là sự đào thoát khỏi chiếc lọ chật hẹp của ích kỷ để tìm thiên đàng của tự do. Tự do mà ông ta đề cập ở đây tôi không hiểu được chính xác đó là tự do thực hiện bổn phận hoặc tự do trong định nghĩa quá khích, cực cùng của nó, nghĩa là cái chết – mức độ tột bực của tự do theo quan niệm của tôn sư (Kant).
Ông hứa sẽ giữ liên lạc với tôi từ trong thánh địa của chiến cuộc nhưng tôi không còn biết ông ta ra sao từ nhiều tuần qua.
Tôi đã phạm tội đối với ông bạn chăng khi ban phép lành cho việc ông làm? Sự thật là tôi đã phạm tội với chính tôi…,bởi lẽ người đứng trước nguy cơ đánh mất linh hồn ở đây trong trường hợp có chuyện gì xảy đến chính là tôi trong khi ông ta chỉ đánh mất mớ xiềng xích trói mình, chỉ đánh mất điều duy nhất là sự hổ thẹn của kẻ lẩn tránh lời cầu nguyện thiêng liêng nhất của con người là bổn phận. Ông chỉ đánh mất nỗi ô nhục lúc quay lại ngôi nhà đã được những ai khác giải phóng thay cho mình; ông chỉ đánh mất sự đê tiện được sống trong tổ quốc của ngày mai như một món quà nhận từ bàn tay của những người anh em thay vì chính mình phải giành lại nó từ móng vuốt của ác long! Và nếu ông vĩnh viễn không còn trở lại, ông không những đã tự giải phóng mà còn thực hiện việc giải phóng. Vì rằng linh hồn các tổ quốc chính là những người giải phóng tổ quốc chứ không phải những cư dân đi đứng hít thở trên đất nước. Chính vì thế mà gia đình của những kẻ tuẫn quốc là gia đình duy nhất có những đứa con đón nhận cái chết một cách hạnh phúc.
Làm gì tôi dám đánh liều kể lại câu chuyện này; chẳng qua kinh nghiệm người bạn thân thiết của tôi cũng chỉ là một trong vô vàn những ví dụ đang diễn ra hôm nay tại Libya.
Đó là những anh hùng đã coi nhẹ mạng sống của mình, không vì mục tiêu duy nhất là đeo đuổi một cuộc phục thù chính đáng hay tìm lại nhân phẩm đã đánh mất, mà để khỏi chết dần chết mòn trong sự lưu đày vốn là thực chất của mọi bạo quyền. Bởi lẽ dưới bóng bạo quyền không có gì thoát khỏi sự lưu đày: các loại giá trị, tổ quốc cũng như kẻ ái quốc, niềm tin không thể sống ở đâu khác trừ trái tim con người hết lòng vì tổ quốc, chân lý chẳng qua là bộ mặt khác của tự do – miếng mồi đầu tiên trong vô số con mồi bị nuốt vào bụng mãng xà. Cho đến thiên nhiên cũng tiêu vong dưới bóng chằng tinh, sau đó là bầu trời hình như cũng tự xóa mất.
Óc tưởng tượng của dân Libya đã tiên đoán được điều bất hạnh khi truyền miệng rằng tương lai sẽ sản sinh một tên chăn cừu cai trị đất nước khốn khổ này trong bốn mươi năm.
Lúc đầu người ta đã xem thường chẳng tin vào lời tiên tri. Sau đó, khi ác mộng kéo dài thì họ chờ đợi. Rồi không biết đến lúc nào mới được giải thoát, họ đành cam chịu. Đến khi các bất hạnh rơi trên đầu thì họ tha thứ. Sau đó khi đoạn kết cuộc từng được trông chờ lâu nay xảy đến thì họ chẳng còn niềm tin nữa. Họ đánh mất niềm tin, không chịu tin rằng định mệnh có thể đã sai trật khi vượt qua con số nhiệm mầu lời tiên tri từng dự đoán. Nhưng rồi họ buộc phải phát giác rằng bạo quyền có đặc quyền chống lại ý muốn của chính thần tiên tri. Bởi vì tên chăn cừu chẳng chịu noi theo gương của nhà bốc thuật Sutayh ngày xưa – vị này biết trước chính xác ngày chết của mình – chịu nằm xuống nhắm mắt ra đi khi ý Trời gọi.
Kể từ lúc ấy, người ta ngộ thấy rằng có cái gì đó trật chìa trong vũ trụ và họ tự gánh tránh nhiệm chỉnh đốn lại tình thế. Họ nổi dậy khi hiểu được mình là nạn nhân của một sự lừa đảo kéo dài một cách vô lý suốt bốn thập niên! Nạn nhân của một tên tiên tri giả, nạn nhân của một kẻ Giáng Thế rởm chứ không phải là Đấng Cứu Thế. Thế là họ mài đao lau súng để cắt khoét cái bướu độc đã gặm nhấm cơ thể mình trong bốn mươi hai năm. Một cuộc phẫu thuật chết người bởi lẽ muốn cứu sinh phải loại bỏ lớp bì định mệnh đã cẩn ốc vào người, bắt buộc phải cắt da lìa khỏi thịt. Nhưng họ không kinh sợ trước việc này vì chúng ta vẫn còn thấy họ huơ lưỡi dao mổ của mình nơi các chốn công cộng để hoàn tất cuộc phẫu thuật lịch sử này.
Bởi đã đến lúc phải gọi tên bà – Nữ Hoàng Lịch Sử hỡi (Sa Majesté l’Histoire). Nhắc đến đây Rousseau từng nói: Nếu không có bọn bạo chúa, chiến tranh và những kẻ âm mưu thì lịch sử sẽ ra sao ?
NGUỒN: Le Monde Diplomatique, tháng 7 năm 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét