LTS: Tại sao âm nhạc lại ra đời có lẽ là câu hỏi khó có được giải đáp chung bởi lẽ sẽ khác nhau theo từng hiểu biết và cảm nhận của mỗi người trước bộ môn nghệ thuật khó có thể thiếu được trong đời sống tinh thần hôm nay. Xin thử nghe đoạn 3 hiệp tấu khúc dương cầm số 2 của Rachmaninov để cùng công nhận rằng trong nhạc có hơi thở, có nhịp đập,
và có cả một đời sống của đôi lứa đang yêu. Khó có thể diễn tả được tất cả thổn thức dồn nén ở đoạn nhạc tuyệt vời có độc tấu dương cầm chủ đạo và phối khí đan quyện vào nhau của kèn hơi và đàn dây này. Nhạc đưa ta vào miền im vắng của ý thức, bơi lội miên man trong những vùng trời kỷ niệm và để lại cả một khoảng trống mênh mang sau khi nốt cuối cùng chấm dứt.
Tại sao, khi chỉ còn lại một mình trong gian phòng nhỏ hoặc giữa cảnh trời nước bao la chúng ta lại lắng nghe âm nhạc? Tại sao chúng ta cần có âm nhạc?
Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc tiến hóa của âm nhạc xuất phát từ các tín hiệu giao tình của động vật. Thí nghiệm về 1 bài “song ca” của loài vượn tay dài ở Miến Điện bởi nhà khoa học sinh mệnh Lyall Watson đã chứng minh phần nào cho luận cứ nêu trên. Đầu tiên là con đực xuất hiện với tiếng hú ru mời đặc biệt, một lúc sau thì vượn cái lấp ló lộ diện sẽ sàng đáp lễ. Xướng qua họa lại một lúc, cả hai bắt đầu bài song ca của riêng mình để sau đó cùng chuyền cành, biến mất vào rừng già. Cảnh tượng yêu đương này có khác chi con người. Watson kết luận: đây chính là hình thái đầu tiên của âm nhạc loài người. Thế nhưng Fukuoka Shinichi, học giả phân tử sinh vật lại quan niệm hơi khác, ông cho rằng: những cảm thụ của chúng ta về hô hấp, nhịp đập và sự trầm bỗng trong âm nhạc phải chăng chính là hô hấp, nhịp đập và sự trầm bỗng có ngay trong tự thân mỗi chúng ta. Và đó còn được gọi là nhịp điệu. Cuộc sống được điều khiển và vận hành bằng chuỗi nhịp không ngừng trong đó bao hàm nhịp thở, nhịp tim, nhịp cơ, nhịp giao động thần kinh, nhịp ham muốn tình dục…Tất cả nhịp điệu này ngoài việc ghi khắc giai điệu của cuộc sống, còn là những âm thanh xác nhận sự tồn tại của chúng ta trong cõi đời.
Tóm lại, âm nhạc chính là tài liệu đối chứng của các nhịp điệu sinh học mà con người sáng tạo để biểu hiện ra thế giới bên ngoài.
Cũng như tất cả các bộ môn nghệ thuật khác, tự thân của sự sáng tạo để biểu hiện chưa hẳn đã là mục đích tối hậu của âm nhạc. Chúng ta trở lại với câu hỏi ban đầu: âm nhạc ra đời để làm gì? Nếu đồng ý rằng câu trả lời không dành cho riêng ai, thì tại đây xin mạo muội cho rằng mục đích của âm nhạc nhằm nói lên một triết lý sống. Triết lý đó lớn hay nhỏ, sâu hay nông tùy vào hàm lượng trí tuệ và lao động của tác giả cũng như mức độ cảm thụ từ phía người nghe, bởi vì mỗi một đoạn nhạc, ít hay nhiều đều thể hiện thái độ của tác giả đối với đời sống, đều chứa đựng ước mong giải thích ý nghĩa của đời sống mà mình đang có, đang cảm nhận của tác giả. Tính hiện thực hoặc nôm na hơn, tính thực dụng trong âm nhạc có thể không nhiều lắm, thế nhưng các âm điệu một khi gắn kết cộng hưởng với các mạch suy nghĩ đa dạng trong tâm hồn sẽ có hiệu quả như một đường vẽ phụ trong bài toán hình học giúp ta ngộ ra rất nhiều điều nghĩa lý của cuộc sống. Một triết lý cũng thế. Thông thường thì trừu tượng và mông lung. Tuy nhiên nếu biết đối chiếu vào các hình tướng của thực tại để phát huy tính chất đường vẽ hình học bổ nghĩa, chúng ta rất có thể tìm được chân tướng của hiện thực vốn khi ẩn khi hiện. Triết học do đó còn được gọi là hệ thống triết lý giúp đỡ con người bằng cách vạch ra các dòng đường phải chọn trên hành trình vô tận đi tìm bản chất của cuộc đời. Nếu đã nói âm nhạc là triết lý, vậy liệu chăng có thể phát sinh một mệnh đề nghịch đảo: triết lý là âm nhạc.
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu
Trên đây là đoạn thơ viết về một bông hoa đang nở, đang độ đẹp lạ thường, đẹp như một nụ cười, đẹp như một nhan sắc, và hơn hết, bông đẹp như một tiếng hát. Trong thoáng chốc nở bông này, nhà thơ sụp lạy cúi đầu chịu nhận ân sủng đốn ngộ và thông tuệ. Các tôn giáo vẫn thường dùng âm nhạc để bày tỏ lòng thành kính với đấng tối cao, câu kinh lời kệ luôn được xướng lên bằng một giai điệu ngân nga đặc biệt. Âm nhạc giúp con người tiến gần lại đấng thiêng liêng bởi vì tự nguyên thủy, sự rung động nhiệm mầu trước ánh sáng của triết lý tôn giáo đã đi vào hồn người bằng những nhịp điệu: nhịp điệu của tiếng gọi cứu rỗi.
Phảng phất lời lẽ một làn hương
Tâm linh bỗng nhiên thành vũ trụ vô lường
Thực tại bao trùm bởi ảo tưởng
Đâu biết màu xanh hay chính ấy âm thanh
Ta nghe bản hợp tấu đang thành
Ai hát chi mà rạo rực
Gần đây nhất, trong các diễn từ tranh cử và nhậm chức, khi kêu gọi người dân đứng lên gánh vác trách nhiệm xây dựng lại niềm tự hào Hiệp chủng quốc, tân tổng thống Barack Obama đã không ngừng áp dụng thủ pháp hô và đáp “call and response” bằng các mệnh đề ngắn gọn có tác dụng như điệp khúc của một bài nhạc: “Yes we can”, “Fired up”…Không ai có thể chối cãi rằng chính nhạc điệu lôi cuốn của các diễn từ này đã góp phần chuyển tải một cách hiệu quả các thông điệp và hứa hẹn để đánh bạt mọi đối thủ khác của ông trên đường tiến vào tòa Bạch Ốc.
Thược dược
Đứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
Hợp tấu
Đừng hoi hóp nữa
Đừng than khóc nữa
Hỡi linh hồn ta
Chập chờn xao xuyến lửa
Bởi hôm nay
Ta vừa gặp ta
Ánh sáng nằm nghiêng ngã ngửa
Màu sắc dựng thành muôn cánh cửa
Đêm và trưa
Âm dương hòa đôi lứa
Cảm giác tìm nhau tắm rửa
Không gian với thời gian lần lựa
Gặp nhau khi vừa đúng giữa
Trong một giờ thiêng chung đụng
Ấm cúng vô cùng
Và sâu thẳm mông lung
Ta thấy trong ta
Ái tình giao tay làm khối tượng
Nghệ thuật nằm trong kiến trúc
Phảng phất lời lẽ một làn hương
Tâm linh bỗng nhiên thành vũ trụ vô lường
Thực tại bao trùm bởi ảo tưởng
Đâu biết màu xanh hay chính ấy âm thanh
Ta nghe bản hợp tấu đang thành
Ai hát chi mà rạo rực
Dưới đáy hồn ta vắng lạnh
Bài ca kỳ diệu với trời xanh
Sự vật hiện về trên phim ảnh
Nhân loại đi về trong chốn ta
Mất mát gì đâu nơi vô cùng chân ngã
Ta nghe kết thành
Âm thanh bao nhiêu thế giới kỳ lạ
Giữa sâu xa.
Ta Úp Mặt
ta úp mặt mình ta khóc nức nở
xuân đời lên một mùa hoa mới nở
thiêng liêng cười trên môi nụ còn tươi
vũ trụ xanh bừng đỏ giữa tim người
lòng hữu hạn ước mơ thương đời vô hạn
tối trần gian khát vô cùng ánh sáng
trăng đã về mầu nhiệm chiếu không gian
chuông vừa ngân thổn thức nhạc niết bàn
ta úp mặt mình ta khóc nức nở
cả loài người đang gục đầu than thở
mộng cũ tình xuân còn đâu ước mơ
đèn văn minh đốt cháy rụi bàn thờ
tàu hiện tại bánh xoay về hoang dại
đò sông ơi đã gãy rồi bánh lái
cuồng phong cuồng phong sóng dậy buồm chìm
lạc loài kêu xơ xác một đàn chim
ai hoi hóp đang vùng vằng giữa bể
hát ca chi lạc lầm rồi thế hệ
ta kêu lên nhân loại hãy đi về
trời xanh kia còn say đắm si mê
yêu tất cả một tình yêu bất diệt
thương tất cả một tình thương tha thiết
sáng soi thay là ánh sáng mặt trời
rõ ràng thay là tiếng nói không lời
trong đau khổ người nghe chăng điệu lý
trong tiến bộ người thấy chưa vô lý
trăng cười chân lý sáng hư vô
ta cúi xin thế giới thoát mơ hồ
ta úp mặt mình ta khóc nức nở
vì thương yêu ta xót xa than thở
tình thi nhân lòng thủ thỉ lệ mờ
cảm hồn đau ta viết vội thành thơ
ta úp mặt mình ta khóc nức nở
Quách Thoại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét